Phát triển nhà giá rẻ phụ thuộc vào cái tâm, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp

Nguồn cung hạn chế

Phát biểu tại tọa đàm “ Bất động sản : Nhà ở cho người trẻ”, ngày 3/4 do báo Người Lao Động tổ chức, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản , Bộ Xây dựng cho biết, từ cuối năm 2024 thị trường đã có sự phục hồi và phát triển tương đối tích cực, nhờ vào các chính sách tháo gỡ khó khăn được Quốc hội và Chính phủ ban hành .

Phát triển nhà giá rẻ phụ thuộc vào cái tâm, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp - Ảnh 1

Ông Vương Duy Dũng phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội , nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người lao động và người trẻ vẫn còn rất hạn chế. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu thực tế của nhóm đối tượng này. Việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển phân khúc này.

“Để đẩy mạnh nhà ở xã hội , nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội , trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, việc tiếp cận quỹ nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, do nguồn cung trong thời gian qua vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng lại rất lớn so với nguồn cung hiện tại.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu lớn. Hiện nay, số lượng nhà ở xã hội tại TPHCM chỉ vào khoảng 6.000 căn, quá ít so với nhu cầu thực tế. Nếu đề án xây dựng 1 triệu căn nhà của Chính phủ được triển khai thành công, đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cân bằng thị trường.

Phát triển nhà giá rẻ phụ thuộc vào cái tâm, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp - Ảnh 2

Việc tiếp cận quỹ nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, do nguồn cung trong thời gian qua vẫn chưa nhiều.

“Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản , như đã thực hiện trong thời gian qua. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án đang bị đình trệ , nếu được khơi thông sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở đáng kể, tạo điều kiện để người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở”, ông Châu nói.

Cần gói vay ưu đãi

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM ) cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội tại TPHCM từ nay đến năm 2030 là khoảng 850.000 căn hộ. Do đó, việc Chính phủ giao TPHCM xây dựng 100.000 căn là hoàn toàn có căn cứ, nhưng rõ ràng con số đó vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Riêng trong nhóm người trẻ, cũng có người thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội , nhưng cũng có nhiều người không thuộc diện chính sách . Với những người không nằm trong đối tượng ưu tiên thì họ buộc phải tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Hiện nay, phân khúc này lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể như với nhà ở xã hội .

“Vì vậy, việc phát triển nhà giá rẻ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của doanh nghiệp , vào việc họ có sẵn sàng tiết giảm lợi nhuận để tạo ra sản phẩm phù hợp với người mua hay không”, ông Hồ nói.

Phát triển nhà giá rẻ phụ thuộc vào cái tâm, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp - Ảnh 3

Cần có chính sách đặc thù, giúp giải bài toán vốn và nguồn cung bất động sản , kích thích tăng trưởng kinh tế.

Do đó, ông Hồ kiến nghị cần tập trung vào chính sách phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, với những hình thức linh hoạt như bán, thuê và thuê mua. Với người trẻ, cũng cần chia ra hai nhóm rõ ràng, gồm nhóm có khả năng tài chính và chưa có khả năng tài chính. Nhóm chưa đủ khả năng thì nên tiếp cận thông qua hình thức thuê và hiện nay Nhà nước cũng đang xây dựng chính sách để phát triển thị trường nhà ở cho thuê, đặc biệt hướng đến nhóm người trẻ.

Về tín dụng, ông Hồ cho rằng cần có các gói vay ưu đãi tương tự như đang áp dụng với chủ đầu tư nhà ở xã hội , để hỗ trợ cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp. Đây là hướng ngân hàng nên tính tới, có chính sách đặc thù, giúp giải bài toán vốn và nguồn cung, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Chúng ta nên hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở. Tức là người mua nhà nên có tâm lý tích lũy từ sớm, đóng góp dần vào quỹ mua nhà tương lai của mình. Khi đó, doanh nghiệp và người mua nhà có thể kết nối với nhau ngay từ đầu. Chứ nếu đợi đến khi người dân có đủ tiền mới mua nhà thì sẽ rất khó. Cái khó không chỉ với người mua mà doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm”, ông Hồ nói.