Quản lý thị trường bất động sản: "Mất bò mới lo làm chuồng"

Quản lý thị trường bất động sản: Mất bò mới lo làm chuồng - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Hàng nghìn khách hàng rơi vào bẫy lừa của Alibaba.

"Mất bò mới làm chuồng"

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 30/10, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc quản lý các giao dịch bất động sản tại các địa phương trong thời gian gần đây.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) dẫn chứng từ vụ việc lừa đảo ở CTCP Địa ốc Alibaba đã kéo dài trong 3 năm, diễn ra trong 3 tỉnh thành với trên 6.000 người có liên quan mới nhưng được xử lý gần đây.

"Cơ quan nhà nước chưa thực hiện kịp thời chức năng của mình, có tình trạng trạng chạy theo để xử lý hậu quả, "mất bò mới lo làm chuồng", ông Hiền bình luận.

Đại biểu Đoàn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất ở các dự án không có thật đã diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Ông cũng đề cập tới tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá để hưởng chênh lệch trong khi giá trị thật thấp hơn nhiều lần giá trị chuyển nhượng xảy ra tại các địa phương có nền kinh tế trọng điểm, khu đô thị.

"Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát tình trạng nói trên, tránh tình trạng thị trường bất động sản có biến động lớn gây đổ vỡ nền kinh tế theo hướng domino như cách đây nhiều năm", đại biểu nhấn mạnh khi lo ngại nền kinh tế sẽ có nguy cơ đổ vỡ theo hướng domino nếu không kiểm soát được bất ổn của thị trường bất động sản. 

Nhà đầu tư cẩn trọng với bẫy đất nền luôn rình rập

Trên thực tế, sau vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo khách hàng mua đất nền, thị trường bất động sản các tỉnh rơi vào trầm lắng.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam quý III/2019 cho thấy thị trường đất nền trên cả nước có sự chững lại và trầm lắng. Theo đó, không chỉ thị trường đất nền các tỉnh phía Bắc chững lại, mà thị trường bất động sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng trong tình trạng tương tự, không còn sôi động như 6 tháng đầu năm 2019.

Trong khi đó, khách hàng đã thận trọng hơn trong việc mua bán đất nền. Cộng thêm việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ từ chính quyền địa phương, khuyến cáo từ các chuyên gia và luật sư, nên tình trạng đất nền một số nơi rơi vào “ngủ đông”.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sự đổ vỡ của công ty Alibaba khiến cho nhiều người dân, nhiều nhà đầu tư mất tiền khi thị trường rơi vào trầm lắng. Bài học là chính quyền phải có kiểm soát chặt chẽ, có quy hoạch phát triển một cách cụ thể và trên quy hoạch đó phải có công bố thông tin về các dự án đầu tư, phát triển kinh tế, phát triển đất đai.

Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh nhà ở Savills miền Bắc và miền Trung, tâm lý nhà đầu tư đã cẩn trọng hơn về yếu tố pháp lý.

Ông Hiển cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất thế giới, có rất nhiều khu vực, khi phân lô bán nền xong thì trong vòng 1-2 năm đã có người về ở và biến thành khu đô thị hiện hữu.

Tuy nhiên, có rất nhiều khu phân lô bán nền xong 10 năm sau vẫn là khu đất trống. Câu chuyện này đang diễn ra tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), hàng chục dự án từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đang là những khu đô thị bỏ hoang. Tiền của người dân và tài nguyên của đất nước bị “chôn” hàng chục năm gây lãng phí.

"Câu chuyện đầu tư đất nền chủ yếu là ăn sổi, mua đi bán lại để tăng giá. Một mảnh đất không được đầu tư xây dựng, không có tính thương mại, khu vực không có người ở, nhưng lại mua đi bán lại, đẩy giá lên cao. Khi những mảnh đất đó được thế chấp vào ngân hàng, “bong bóng” sẽ phát sinh từ đây", chuyên gia cho biết.

Do đó, theo ông Hiển, nếu cả nước cùng đổ xô đầu tư vào đất nền sẽ có những người sở hữu rất nhiều đất nhưng không đẻ ra tiền. "Đầu tư đất nền là sản phẩm đầu tư dài hạn, nên các nhà đầu tư phải xác định mua và quên nó đi một thời gian”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ông Hiển khuyên các nhà đầu tư hiện nay có thể đến các cơ quan chính quyền địa phương để xác nhận thông tin của dự án có đúng là được phê duyệt không, có giấy phép chưa? 

Trong khi đó, theo ông Đính, các nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm thì nên tìm các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để nghe phân tích và đánh giá.

 Phương Dung

Quản lý thị trường bất động sản: Mất bò mới lo làm chuồng - 2

Nhấn để phóng to ảnh