Quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa cần ý tưởng đột phá, mang lại lợi ích cho người dân
Quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa cần hướng tới người dân
TPHCM đang quyết tâm thay đổi vận mệnh cho bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sau hơn 30 năm quy hoạch treo bằng cuộc thi ý tưởng quy hoạch kiến trúc bán đảo mang tầm quốc tế. Hiện cuộc thi đã đến giai đoạn 2. Ông kỳ vọng gì về một ý tưởng quy hoạch xứng tầm, có thể biến Thanh Đa thành một tiểu đô thị tầm cỡ quốc tế?
Đây chắc chắn là một quy hoạch được đông đảo người dân quan tâm bởi bán đảo Bình Quới – Thanh Đa được xem là vùng đất đẹp nhất của Sài Gòn về môi trường sống vì được bao quanh gần hết bởi sông nước. Nhờ vị trí đó mà khu vực này trở nên đắt giá.
Sở dĩ nơi đây còn quỹ đất lớn là bởi lãnh đạo TP từ lâu đã nhìn thấy tầm quan trọng của quy hoạch khu vực này nên không ai làm gì luộm thuộm hay manh mún ở trong đó. Chính vì thế, quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa mới để từ năm này đến năm khác để tìm phương án tối ưu nhất, xứng tầm nhất, kỳ vọng sẽ tìm được một quy hoạch đẳng cấp để nâng tầm bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, xứng đáng với vị thế của hòn đảo này.
Theo ông, quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa nên chú trọng vào những yếu tố nào?
Quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa cần hướng tới người dân, vừa phát triển kinh tế , tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa mang đến một diện mạo hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và người dân được hưởng lợi từ điều này.
Bên cạnh đó, quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa cần chú trọng đến hạ tầng giao thông , làm sao để kết nối được thuận tiện với các khu vực lân cận. Bán đảo Thanh Đa hiện tại chỉ có một con đường kết nối với trung tâm TPHCM, kéo dài từ Xô Viết Nghệ Tĩnh tới QL13 thường xuyên ùn tắc. Nếu chúng ta làm một đô thị lớn, với dân cư đông đúc thì trước tiên phải giải quyết bài toán giao thông, tính toán đường lớn to thôi chưa đủ, cần làm thêm các cây cầu kết nối. Bán đảo cũng cần có những công trình giao thông hiện đại như hệ thống cầu đi bộ, bến du thuyền…
Một vấn đề nữa là môi trường. Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là một phần lá phổi xanh cho TP. Nếu chúng ta xây dựng, khai thác hệ số diện tích quá cao sẽ làm giảm chất lượng môi trường của TP. Chính vì vậy, quy hoạch phải tính mức hợp lý giữa mật độ xây dựng, không gian xanh .
Những bài toán nào cần được giải để giúp mang đến cuộc sống tốt đẹp, ổn định cho người dân Thanh Đa?
Chúng ta cần quy hoạch không gian đô thị, cảnh quan gắn với đặc trưng sông nước phù hợp với hiện trạng của khu vực này. Quy hoạch một cộng đồng ven sông thích ứng với kịch bản của biến đổi khí hậu, ứng phó kịch bản nước biển dâng. Cân bằng giữa việc bảo tồn hệ thống cảnh quan ngập nước, các không gian kiến trúc, cộng đồng bản địa và nhu cầu phát triển kinh tế - du lịch.
Có như vậy quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa mới được nâng tầm, đưa bán đảo trở thành điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể TPHCM, trở thành điểm đến để vui chơi, nghỉ dưỡng sinh thái, nơi diễn ra các hoạt động về du lịch, lễ hội gắn với dòng sông, triển lãm văn hóa nghệ thuật...thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm,…
Từ đó mang lại giá trị kinh tế, phát triển du lịch dịch vụ, thương mại, giúp tạo công ăn việc làm, mang đến thu nhập bền vững, từng bước làm giàu cho cư dân bản địa. Đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân TP.
Những công trình đẹp nhất sẽ được xây dựng tại Thanh Đa
TPHCM đã có chủ trương rằng những công trình đẹp nhất, cao nhất sẽ có ở bán đảo Bình Quới – Thanh Đa. Ông có kỳ vọng bán đảo này sẽ được quy hoạch những công trình biểu tượng, tạo điểm nhấn cho đô thị toàn cầu TPHCM?
Tôi nghĩ rằng, mình khoan hãy kỳ vọng đến mức toàn cầu. Tuy nhiên, Bình Quới - Thanh Đa là khu vực rất đẹp còn sót lại của TPHCM chính vì vậy cần quy hoạch được những công trình điểm nhấn xứng tầm, mang lại giá trị cảnh quan. Những công trình điểm nhấn mang đến giá trị trải nghiệm như: các công trình kiến trúc đa năng, sáng tạo; quần thể triển lãm Expo, trình diễn show nhạc nước, thực cảnh hay công viên chuyên đề với biểu tượng nghệ thuật hay đài phun nước tạo ấn tượng cho cảnh quan… làm ở Bình Quới - Thanh Đa là hợp nhất, đẹp nhất bởi khu vực này được bao quanh bởi sông nước.
Bên cạnh đó cũng nên nghiên cứu những công trình thu hút khách hạng sang đến đảo trải nghiệm những dịch vụ đẳng cấp nhất, như khách sạn 5 sao quốc tế. Những công trình như vậy đưa sẽ giúp Thanh Đa phát triển du lịch, mang đến diện mạo mới khang trang, cảnh quan hiện đại với những công trình kiến trúc đẹp trở thành niềm tự hào cho người dân Bình Quới – Thanh Đa nói riêng, TPHCM nói chung.
Trong quá trình phát triển cần đối diện với sự gia tăng dân số, do đó cần tối ưu hiệu quả sử dụng đất trên bán đảo Theo ông, quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa có nên bố trí những công trình cao tầng hiện đại cho người dân nơi đây, tái định cư tập trung để nâng cao chất lượng sống cho người dân, đảm bảo tối ưu hiệu quả sử dụng đất?
Tôi rất đồng tình với quan điểm trên. Đặt vai trò của người dân ở đấy, tôi cũng mong muốn được tái định cư ngay tại vị trí đó. Khu vực Bình Quới – Thanh Đa hiện tại đa số nhà thấp tầng, chỉ có 1 tòa chung cư Thanh Đa có 4-5 tầng. Trong quy hoạch mới, nếu chúng ta xây những tòa nhà 10-20 tầng, thì chỉ cần chưa đến 1/3 tòa nhà là có thể giải quyết được vấn đề tái định cư. Khi chúng ta làm đô thị nén, những tòa nhà cao tầng sẽ có nhiều diện tích hơn để xây dựng những công trình biểu tượng, nhiều không gian hơn dành xây dựng cho không gian công cộng
Quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa cũng chính là để người dân được thụ hưởng thành quả. Với phương án tái định cư tập trung vừa mang đến diện mạo mới, hiện đại, đẳng cấp cho đô thị bán đảo, vừa đem lại chất lượng sống cao cấp cho người dân, tạo nên một cộng đồng dân cư hiện đại, năng động…
Xin cảm ơn ông!
Nằm tại trung tâm của TP.HCM, cạnh bên dòng sông Sài Gòn, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa có vị trí chiến lược tại Q.Bình Thạnh, hội tụ điều kiện để trở thành trung tâm về đô thị du lịch sinh thái tầm vóc quốc tế.
Trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - du lịch hai bên bờ sông Sài Gòn, bán đảo sẽ có sự kết nối với các điểm đến ven sông lân cận như Thảo Điền, Rạch Chiếc, TP.Thủ Đức, cùng nhau hình thành nên một trung tâm mới về thể thao - du lịch - thương mại - đô thị. Sự phát triển của bán đảo Thanh Đa sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng trung tâm cũng như định hình diện mạo mới của TP.HCM bên bờ sông Sài Gòn, hướng đến mục tiêu trở thành một toàn cầu.
Bình Quới - Thanh Đa dù chỉ là một bán đảo nhưng quy hoạch phải nhìn trong tổng thể phát triển sông Sài Gòn, đặt trong chiến lược phát triển đến 2030 - 2050. Do đó, phải đặt ra hết vấn đề liên kết với trung tâm hiện hữu thế nào, nối ra biển, nối về Bình Dương, nối với tuyến đường ven sông Sài Gòn ra sao… Gắn với định hướng dài hạn đó thì TP.HCM sẽ đạt mục tiêu tái hiện đô thị gắn kết với sông nước, mang bản sắc sông nước, đem lại giá trị rất lớn cho TP.HCM cũng như toàn vùng Đông Nam bộ.
KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners