Quy hoạch - động lực phát triển Đông Nam Bộ

Sáng 26-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Dương đi từ không đến có

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại.

Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững ; đồng thời là một đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo; có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao. Người dân sẽ được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Quy hoạch - động lực phát triển Đông Nam Bộ - Ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: THANH THẢO

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Bình Dương đã đi từ không đến có. Bình Dương đã phát triển đột phá, từ vùng đất nông nghiệp thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, hút hàng ngàn nhà đầu tư FDI, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân.

Hoan nghênh Bình Dương trong việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động, hiệu quả; xã hội hài hòa, nhân văn và bền vững; chính quyền địa phương kiến tạo, liêm chính…, Thủ tướng đề nghị tỉnh thực hiện "3 tiên phong". Thứ nhất, kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế. 

Thứ hai, xanh hóa, số hóa nền kinh tế, chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm. Thứ ba, tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, lập nghiệp và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện các định hướng này, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai hiệu quả quy hoạch, bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bình Dương phải phát huy hiệu quả 3 không gian động lực, 5 chiến lược trọng tâm mà quy hoạch đề ra. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các địa phương vùng Đông Nam Bộ ; kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông; phát triển và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.

Kết nối giao thông, phát triển đồng bộ

Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng giao thông. Khi phát triển hệ thống giao thông tốt thì sẽ tạo ra không gian phát triển mới với khu công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ; tạo thuận lợi cho người dân, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. "Bình Dương là tỉnh tiên phong trong việc phát triển hạ tầng, chủ động kết nối vùng" - Thủ tướng nhìn nhận.

Xác định được tầm quan trọng của kết nối vùng, trong quy hoạch lần này, Bình Dương tổ chức không gian kinh tế - xã hội theo mô hình vùng đô thị công nghiệp đổi mới sáng tạo, với trục phát triển Quốc lộ 13, đường Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường sắt TP HCM - Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng.

Bình Dương cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển là phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của vùng Đông Nam Bộ và những địa phương lân cận mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế; hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.

Tại TP HCM, quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh quan điểm phát triển mạng lưới giao thông phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển của TP HCM là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở kế thừa, phù hợp với quy hoạch quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và thúc đẩy quá trình liên kết vùng. Cụ thể, với đường bộ, sẽ xây dựng các tuyến cao tốc, vành đai.

Với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và vùng Đông Nam Bộ, TP HCM sẽ là đầu mối giao thông đường bộ quan trọng của khu vực phía Nam. Vì vậy, mạng lưới đường bộ của TP HCM bên cạnh những tuyến đường cao tốc, đường vành đai có năng lực thông xe lớn, sẽ phát triển những tuyến đường kết nối mang tính chất liên tỉnh, liên vùng. Điều này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc tại những cửa ngõ ra vào TP HCM hiện nay mà còn tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong vùng và các đầu mối giao thông của vùng như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Đô thị ven sông, trung tâm kinh tế biển

Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối giao thông trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian tới, các dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cảng Phước An, đường Vành đai 4 TP HCM, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương... hoàn thành sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho địa phương.

Về việc phát triển khu vực ven sông Đồng Nai kết nối các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển những khu đô thị hiện đại, đẳng cấp nhằm thu hút các chuyên gia, trí thức đến sinh sống; những tập đoàn quốc tế đến đặt văn phòng. Ông Võ Tấn Đức kỳ vọng đây là trục giao thông xanh kết nối các đô thị của vùng, mặt tiền xanh của những thành phố văn minh, hiện đại.

Quy hoạch Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng có vai trò quan trọng trong việc định hình phát triển kinh tế - xã hội và môi trường của tỉnh nói chung và khu vực Đông Nam Bộ nói riêng.

Cụ thể, quy hoạch xác định rõ mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những khu vực động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ ; là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. 

Bình Dương trao chứng nhận đầu tư cho 8 dự án

Sáng 26-9, tại Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát hiện trường, kiểm tra dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; tham quan Triển lãm Điện - Năng lượng 2024 và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024 với hơn 400 gian hàng của hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia.

Thủ tướng cũng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỉ USD. Trong khuôn khổ hội nghị, Becamex IDC đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài, như Kosmo, Coex...

Buổi chiều, Thủ tướng làm việc với Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024.

Ông NGUYỄN VĂN LỢI, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương:

Liên kết, xóa nhòa địa giới hành chính

Với Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa giới hành chính lâu nay được phân định bởi những cây cầu hay con sông, nay hầu như đã bị xóa nhòa. Tư tuy cục bộ, địa phương như "cục máu đông" làm tắc nghẽn các tiềm năng tăng trưởng của vùng và cả nước được thay bằng tinh thần liên kết, kết nối.

Bình Dương mang tâm thế sẵn sàng khởi động giai đoạn phát triển mới với nhiều định hướng mới đầy khát vọng cho một địa phương giàu có, văn minh, nghĩa tình. Bình Dương sẽ là mảnh ghép gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương còn lại, cũng như lan tỏa sự phát triển không chỉ cho riêng tỉnh nhà.

Ông PHẠM VIẾT THANH, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu:

Kết hợp 3 đột phá chiến lược

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện quan điểm đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Từ quan điểm đó, Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thức rõ quy hoạch tốt sẽ có không gian phát triển tốt, có không gian phát triển tốt sẽ có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt sẽ có dự án tốt. Triển khai quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là cơ hội để kiến tạo mô hình phân bổ không gian phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và kiến tạo động lực phát triển mới. Đây là cơ hội để địa phương kết hợp thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm: hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị công.

KTS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM:

Cần linh hoạt nội dung quy hoạch

Hiện nay, TP HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đang lập quy hoạch địa phương và quy hoạch đô thị. Các ưu - khuyết điểm hiện có của các đồ án quy hoạch, của công tác quy hoạch cũng như công tác quản lý phát triển theo quy hoạch đã được tư vấn và các địa phương nghiên cứu, "mổ xẻ", đã đưa ra các giải pháp khắc phục.

Thiết nghĩ, cần thực hiện 3 điều sau để việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch được hiệu quả. Một là, nội dung quy hoạch cần linh hoạt hơn. Đất nước đã đổi mới 40 năm nay nhưng phương pháp quy hoạch hiện nay vẫn theo phương pháp cũ.

Hai là, nội dung nối kết vùng cần được chú trọng và cụ thể hơn, đặc biệt là phối hợp tạo điều kiện đầu tư.

Ba là, tăng cường quản lý thực hiện, phân vùng quản lý cải tạo và phát triển đô thị; xây dựng các chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật rõ ràng, có kỷ luật tiến độ thực hiện.

Với TP HCM nói riêng, việc làm cấp thiết bây giờ là sớm thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.