Sản xuất thép cuộn cán nóng Việt Nam lao đao trước “sóng gió kép”
Hiện nay nhu cầu thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước ước tính khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Đây là nguyên liệu thượng nguồn cho sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
“Sóng gió kép” đánh thép trong nước
Tầm quan trọng của thép cuộn cán nóng HRC là như vậy, nhưng để đầu tư sản xuất thép loại này không dễ. Hiện ở Việt Nam chỉ có 2 DN là Hòa Phát và Formosa sản xuất thép HCR, với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Tuy nhiên, sản lượng thép HRC của các DN trong quý II/2024 đã giảm 10% so với quý I/2024.
Nguyên nhân được xác định đến từ những khó khăn trong tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Đại diện Thép Hòa Phát cho biết, lượng thép HRC nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh (6 triệu tấn, tăng gấp 1,5 lần cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường). Cùng với đó, giá sản phẩm thép HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, việc thép HRC giá rẻ ồ ạt tràn về Việt Nam, có thời điểm cao gần 200% sản xuất trong nước đã khiến các nhà sản xuất trong nước không thể khai thác hết công suất. Năm 2023, sản lượng thép HRC Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Thị phần bán hàng nội địa sụt giảm nghiêm trọng từ 42% năm 2021, xuống còn 30% vào năm 2023 và hiện vẫn đang tiếp tục suy giảm.
Không chỉ gặp khó khăn từ sự cạnh tranh khốc liệt của thép nhập khẩu giá rẻ làm sụt giảm thị phần trong nước, thép HRC Việt Nam xuất khẩu còn đang có nguy cơ bị Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá . Ngày 30/7 vừa qua, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương ) ra thông báo cho biết, EC đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép dẹt cán nóng bằng sắt, thép không hợp kim hoặc thép hợp kim khác nhập khẩu vào EC có xuất xứ từ Việt Nam. Phía EC cũng đã yêu cầu bên liên quan cung cấp thông tin chi tiết về các nhà xuất khẩu thép trước ngày 5/8/2024.
Trước tình trạng gia tăng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm tiến hành cuộc điều tra để làm rõ có hay không hành vi bán phá giá, biên độ phá giá và mức độ thiệt hại cho sản xuất trong nước. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định mức độ ảnh hưởng tới thị trường, nhằm có biện pháp kịp thời bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Đánh giá thiệt hại của sản xuất thép nội địa trong 3 năm
Nắm bắt kịp thời thông tin, từ cuối tháng 4/2024, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì , phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để rà soát và nắm bắt tình hình gia tăng nhập khẩu thép HRC. Đến ngày 26/7, Bộ Công Thương đã ra Quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ, sau khi xem xét đơn yêu cầu từ các nhà sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh cùng ý kiến của các DN liên quan.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương ) cho biết, căn cứ Quyết định điều tra chống bán phá giá thép HRC từ hai quốc gia kể trên, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá sẽ từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước trong vòng 3 năm, từ 1/7/2021 - 30/6/2024.
“Theo quy định pháp luật sau khi khởi xướng điều tra, Cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá mức độ bán phá giá; thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Cơ quan điều tra khuyến khích các bên liên quan hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của Cơ quan điều tra để bảo đảm quyền lợi của mình”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
Cơ quan điều tra cũng cho biết, sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp, trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
“Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có Quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng”, phía cơ quan điều tra cho biết thêm.
Động thái của Bộ Công Thương được các chuyên gia trong ngành, các DN đánh giá là cần thiết và kịp thời, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng các quy định pháp luật và thông lệ quốc tế. Đơn cử như với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép HRC Trung Quốc từ năm 2019, bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì. Trong khi lượng sản xuất thép HRC của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu sở tại.
Trong khi đó, hiện nay Việt Nam năng lực sản xuất thép HRC đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8.5/12 triệu tấn) và không có thuế nhập khẩu MFN, cũng như chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Những yếu tố này vô hình chung đang góp phần khiến cho Việt Nam trở thành chỗ trũng của thép HRC nhập khẩu.