Sắp khởi công "siêu cầu" hơn 19.000 tỷ bắc qua sông Hồng nối từ quận Tây Hồ sang huyện Đông Anh (Hà Nội) do Vingroup thực hiện, cam kết "xứng tầm"

Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 12/12/2024, trục sông Hồng sẽ là một trong 5 trục không gian phát triển đô thị quan trọng của Hà Nội. Dự kiến, tổng cộng có 18 cây cầu cả hiện hữu và sẽ được xây dựng trong tương lai nối đôi bờ sông Hồng.

Thông tin với báo Tiền Phong, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trên sông Hồng hiện nay đã có 9 cây cầu được đầu tư xây dựng. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung lập kế hoạch xây dựng 9 cây cầu mới.

9 cây cầu dự kiến xây dựng bao gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Thăng Long mới, cầu Mễ Sở, cầu Phú Xuyên...

Về tiến độ và thời gian thực hiện các cây cầu này, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua (tháo gỡ một số cơ chế về việc huy động vốn cho các dự án phát triển hạ tầng) và xét nhu cầu bức thiết về việc giải quyết ùn tắc giao thông, UBND thành phố đã có kế hoạch khởi công trước 2 cầu bắc qua sông Hồng trong năm 2025 là cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi. Thời gian được UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở ngành có liên quan và chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, khởi công hai dự án trong quý I hoặc II/2025.

Cho ý kiến về việc thẩm định, các phương án xây dựng cầu Tứ Liên , đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.

Theo các phương án báo cáo nghiên cứu khả thi của Nhà đầu tư và Tư vấn, cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư hơn 19.000 ỷ đồng. Cầu có phương án thiết kế kiến trúc dạng dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép.

Cầu có tổng chiều dài khoảng 11,5km, bắt đầu từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (đoạn giao với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Đề cập đến khả năng cân đối và bố trí vốn, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, hiện dự án đang có hai nguồn bố trí vốn đó là sử dụng đầu tư công hoặc vốn PPP. Một số nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Vingroup đã đề xuất được thực hiện dự án . Phương án chọn đầu tư công hoặc hình thức PPP sẽ được UBND thành phố lựa chọn khi Sở KH&ĐT phối hợp với Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố xem xét, lựa chọn trong quý I/2025.

Trước đó, vào tháng 11/2024, UBND TP. Hà Nội đã phân công Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng.

Khi gửi đề xuất lên UBND TP. Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên , Vingroup cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ và chất lượng, xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của Thủ đô.

Vào giữa tháng 10, Tập đoàn Vingroup gửi đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).

Về chủ trương thực hiện dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng nối từ quận Tây Hồ sang huyện Đông Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm triển khai. Quá trình thực hiện, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.

Theo Thủ tướng, cầu Tứ Liên không chỉ là công trình giao thông mà còn là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, làm đẹp thêm Thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến.