Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam hơn 61,3 tỷ USD vừa được doanh nghiệp của tỷ phú phạm Nhật Vượng đề xuất có gì đặc biệt?

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án có vốn đầu tư khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng. Thông tin này ngay lập tức gây chú ý.

Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam hơn 61,3 tỷ USD vừa được doanh nghiệp của tỷ phú phạm Nhật Vượng đề xuất có gì đặc biệt? - Ảnh 1

Trước đó,Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo Nghị Quyết, đường sắt cao tốc Bắc - Nam đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước 31/12/2026. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; đầu tư phương tiện, thiết bị để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Tuyến đường có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và hiện đại, tiến độ triển khai rất khẩn trương, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Dự án được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai thực hiện.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách. Vị trí các ga đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh.


Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam hơn 61,3 tỷ USD vừa được doanh nghiệp của tỷ phú phạm Nhật Vượng đề xuất có gì đặc biệt? - Ảnh 2

Thủ tướng cho rằng phát triển đường sắt tốc độ cao có nhiều khâu, phần việc, hạng mục với mức đầu tư lớn. Thời gian có hạn, công việc nhiều, đòi hỏi cao, trong khi sự hiểu biết và năng lực công nghệ chưa cao. Vì vậy để thực hiện dự án đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, xác định trọng tâm, trọng điểm.

Phát triển đường sắt cũng liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Do đó Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp triển khai.

Để việc tổ chức thực hiện dự án đáp ứng chất lượng, tiến độ yêu cầu, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Kế hoạch, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định rõ thực trạng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đảm bảo phù hợp định hướng và lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt đã trình Bộ Chính trị và xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp đường sắt cần phát triển, lộ trình cụ thể đối với từng lĩnh vực như: xây dựng; phương tiện; vật tư, vật liệu chuyên ngành; điện động lực; hệ thống thông tin, tín hiệu; công nghiệp phụ trợ...

Xây dựng Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai công tác đào tạo theo kế hoạch. Nội dung Đề án phải xác định nhu cầu đào tạo của các chủ thể tham gia xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bao gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước; Cơ quan, đơn vị quản lý dự án; Cơ quan, đơn vị thực hiện đầu tư, xây dựng; quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường sắt tốc độ cao và các chủ thể khác có nhu cầu đào tạo.

Kiện toàn Ban Quản lý dự án chuyên ngành để tổ chức quản lý, thực hiện dự án. Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để phối hợp và tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi Dự án hoàn thành.

Tiến độ tổng thể dự kiến thực hiện các công việc của dự án như sau:

1. Tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8 năm 2026.

2. Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 9 năm 2026.

3. Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi dự án, cơ bản hoàn thành trước tháng 12 năm 2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.

4. Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31 tháng 12 năm 2026.

5. Triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035 theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội.