Sóng gió liên tiếp, bất ổn bủa vây “ông trùm" xây dựng Coteccons
Kết quả kinh doanh không thuận lợi
Báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố cho thấy, doanh thu quý I/2020 của Công ty CP Xây dựng Coteccons đạt 3.553 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 123 tỷ đồng, giảm 35%.
Kết thúc năm 2019, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của công ty không hoàn thành. Theo đó, Coteccons chỉ đạt 23.733 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu đề ra; lợi nhuận sau thuế là 710 tỷ đồng.
Đi cùng với kết quả kinh doanh kém khả quan, số lượng nhân sự năm 2019 cũng giảm. Tính đến 31/12/2019, tổng nhân sự của Coteccons là 2.272 người, giảm 448 người so với năm 2018.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Coteccons cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp thị trường bất động sản và các nhà thầu xây dựng phải đương đầu với rất nhiều thách thức.
Đặc biệt theo ông Dương, ở TP.HCM, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm lần lượt 85% và 80% so với năm 2018.
“Trong năm qua công ty có rất ít dự án mới được triển khai, nhiều công trình đang thi công bị tạm ngưng hoặc kéo dài tiến độ. Chính điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của CTD trong khi chi phí phát sinh tăng làm lợi nhuận sụt giảm”, ông Dương lý giải.
Cổ phiếu CTD của Coteccons trên thị trường cũng liên tục lao dốc trong thời gian dài. Trong khi đó, CTD đã từng có thời “hoàng kim” khi thị giá lên đến 240.000 đồng/cổ phiếu (thời điểm cuối năm 2017).
Lục đục nội bộ lên tới đỉnh điểm, cổ phiếu giảm sâu liên tiếp
Bên cạnh những khó khăn chung của thị trường, giới phân tích cho rằng, mâu thuẫn nội bộ của Coteccons kéo dài, quản trị doanh nghiệp không được đảm bảo chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm trong thời gian qua.
Tại phiên giao dịch sáng 3/6, cổ phiếu CTD tiếp tục ghi nhận sự lao dốc với mức giảm 6,4%, xuống chỉ còn 67.300 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Coteccons gần 77,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, vốn hóa thị trường của "ông lớn" ngành xây dựng tiếp tục bay hơn 300 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên giao dịch hôm 2/6, cổ phiếu CTD của Coteccons cũng đã bị bán mạnh, giảm 7%, tương đương 5.400 đồng còn 71.900 đồng/cổ phiếu.
Mức giảm sâu liên tiếp của cổ phiếu CTD của Coteccons diễn ra trong bối cảnh nội bộ của Coteccons bất đồng cao trào. Kusto Group - cổ đông lớn (chiếm 17,55%) của Coteccons vừa kêu gọi các cổ đông khác bầu lại HĐQT Coteccons.
Mâu thuẫn giữa lãnh đạo Coteccons và nhóm cổ đông ngoại liên quan đến Kusto Group đã âm ỉ từ năm 2017 và lên tới đỉnh điểm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 khi nhóm này phản đối kế hoạch Coteccons nhận sáp nhập Ricons, doanh nghiệp Coteccons sở hữu 15% vốn.
Mâu thuẫn này được đẩy lên cao và diễn ra ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 khi nhóm cổ đông lớn Kusto tiếp tục có động thái mới.
Trong ngày 2/6, trên website chính thức của Kustocem Pte. Ltd. - cổ đông lớn nước ngoài của Coteccons đã ra thông báo đã bắt đầu việc tổ chức họp Đại hội đồng quản trị bất thường để cổ đông Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi Hội đồng quản trị hiện tại, bầu ra Hội đồng quản trị mới.
Thậm chí, Kustocem còn muốn thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong Coteccons Group từ thời điểm năm 2017.
Với ngôn ngữ gay gắt trong bản thông cáo này, Kusto cho biết không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và Ban Giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên HĐQT và Tổng giám đốc Coteccons), và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc).
“Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons” - phía Kusto cho hay.
Coteccons lo bị cổ đông ngoại thâu tóm
Trước những cáo buộc của nhóm cổ đông, ban lãnh đạo Coteccons trong chiều nay (3/6) cũng đã lên tiếng phản hồi.
“Trong bối cảnh Coteccons đã được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 6, chúng tôi khẳng định những cáo buộc vô căn cứ trong thông cáo báo chí của Kusto đã và đang gây tác động tiêu cực đến các cổ đông khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc Coteccons cho biết.
Theo lãnh đạo Coteccons, hiện nay Kusto đang nắm giữ 18.23% số cổ phần CTD có quyền biểu quyết. Cùng với nhóm của mình (điển hình là công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm 14,67% số cổ phần có quyền biểu quyết – đại diện theo pháp luật là ông Kebirov Ablakhat, cũng chính là đại diện pháp luật của Công ty Kusto Home), nhóm Kusto (hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn) đã từng gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 15/10/2019 nhằm bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của Chủ tịch là ông Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Sỹ Công với mục tiêu hoàn tất thâu tóm Coteccons.
“Tuy nhiên HĐQT đã họp và bác bỏ yêu cầu vô lý trên cũng như có công văn giải thích chi tiết cho nhóm cổ đông này về những lập luận vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý”, ông Nguyễn Sỹ Công cho biết.
Ông Công cho biết, không dừng lại ở đó, vào ngày 23/04/2020, vẫn với những cáo buộc cũ, Kusto một lần nữa gửi yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường.
"Nghiêm trọng hơn, Kusto tiếp tục đơn phương ra thông cáo báo chí vào ngày 2/06/2020. Bên cạnh đó, với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự của Ban lãnh đạo Coteccons, Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này", Tổng giám đốc Coteccons nói.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Sỹ Công cho rằng Kusto thể hiện tham vọng thâu tóm Coteccons, lợi dụng ưu thế cổ đông lớn để bác các nghị quyết đã thông qua.
Một chuyên gia về tài chính doanh nghiệp bình luận về câu chuyện nội bộ của Coteccons: Trước thềm ĐHCĐ 2020, lần này Kusto mạnh mẽ hơn, yêu cầu ĐHCĐ bất thường bầu HĐQT mới và yêu cầu chủ tịch và một số quản lý cấp cao từ chức với lý do đã không hành động vì lợi ích của công ty và đang nắm giữ các vị trí tương tự tại Ricons, một thầu phụ và đối thủ cạnh tranh của chính CTD. Bao giờ mâu thuẫn lợi ích được xoá bỏ thì công ty mới cất cánh.
Năm 2019 là một năm khó khăn với nhóm ngành bất động sản – xây dựng. Năm 2020, với tác động của Covid-19, nền kinh tế đều gặp khó khăn, điều này tiếp tục có những tác động không nhỏ tới ngành xây dựng, không loại trừ Coteccons. Trong khi đó, Coteccons phải đương đầu với những khó khăn từ mâu thuẫn nội bộ.
Làm thế nào để đảm bảo sự hài hoà lợi giữa các bên, giải toả những xung đột trong khối lãnh đạo, cổ đông lớn của Coteccons đang là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Nguyễn Mạnh