“Sốt ảo” và chiêu trò của các cò đất trong mùa dịch Covid-19

Thổi giá đất bằng thông tin mơ hồ

Đầu tháng 2/2020 vừa qua, một cơn sốt đất ảo diễn ra tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sau khi có thông tin một tập đoàn lớn đề xuất thực hiện dự án quy mô hơn 800ha, nằm dọc Quốc lộ 56. Sức nóng thể hiện rõ khi chỉ trong một ngày, một mảnh đất đổi chủ 3 - 4 lần, có vị trí giá tăng gấp 6 - 7 lần, nhiều mảnh đất tăng từ 250 triệu đồng đến 400 - 450 triệu đồng.

Địa phương cũng đã đưa ra cảnh báo về dự án "ma" do cò đất vẽ ra, nhà đầu tư sẽ phải hứng chịu thiệt hại trong cơn sốt này nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp lao vào.

Tương tự, tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) vào khoảng đầu tháng 3/2020, bất chấp khuyến cáo tụ tập đông người trong mùa dịch Covid-19, hàng trăm người bao gồm cả môi giới và nhà đầu tư kéo về để kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng sau khi nghe thông tin một tập đoàn bất động sản lớn xin triển khai dự án khu đô thị tại đây.

“Sốt ảo” và chiêu trò của các cò đất trong mùa dịch Covid-19 - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Thông tin mua bán đất tràn ngập khu dãn dân Quan Giai, xã Trúc Đồng (huyện Thạch Thất).

Khu đất giãn dân Quan Giai thuộc xã Đồng Trúc, giá đất lên từng ngày. Trong vòng hơn 1 tuần các lô đất từ giá 5-7 triệu đồng/m2 đã tăng lên hơn 20 triệu đồng/m2. Làng quê ngoại thành Hà Nội vốn bình yên nay bỗng sôi động với thông tin đất cát, ô tô vào ra vào liên tục. Các biển hiệu mua bán đất, trung tâm môi giới bất động sản mọc lên san sát.

Ông Nguyễn Đình Nghi - Phó chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho biết, UBND xã đã nắm tình hình một số môi giới, cò và người đi xem đất tập trung tại khu giãn dân Quan Giai. UBND xã giao trực tiếp cho đồng chí trưởng công an xã thành lập một đội ứng trực để tuyên truyền người dân không tập trung đông người. Bên cạnh đó xã cũng dán các tờ thông báo, cảnh báo khu vực xã không có dự án đô thị nào.

“Các môi giới bất động sản về đây đưa thông tin khu giãn dân Quan Giai sẽ nằm sát cạnh một dự án khu đô thị lớn cả trăm ha của một tập đoàn bất động sản. Tuy nhiên, tới nay UBND xã chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào cũng như thông tin tại các cuộc họp trên huyện, thành phố” - ông Nghi khẳng định.

Chính quyền địa phương đã khẳng định chưa có bất cứ thông tin quy hoạch nào cũng như việc triển khai dự án, thế nhưng không ít chủ đầu tư vẫn tin các “cò đất” về một dự án lớn sắp triển khai.

Thị trường bất động sản đang "bất động"

Thị trường bất động sản trong quý 1 năm 2020, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá “có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thạch Thất (Hà Nội)…”

“Sốt ảo” và chiêu trò của các cò đất trong mùa dịch Covid-19 - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Những lô đất sát ruộng ở Quan Giai, xã Trúc Đồng (huyện Thạch Thất) được các "cò" thổi giá lên 5-6 lần.

Ngoài nhóm đầu cơ, tạo sốt đất ảo, bất động sản có hiện tượng “ngủ đông” của hầu hết các hoạt động trên thị trường do dịch Covid-19. Những khó khăn tồn tại hiện hữu cũng chưa được giải quyết, đó là các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án bất động sản chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại các địa phương.

Thông tư số 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản...

Khó khăn về nguồn tín dụng, vướng mắc về pháp lý và ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản đi xuống trong quý 1 năm 2020, tính thanh khoản trên thị trường rất kém. Do đó, việc sốt đất do các dự án bất động sản mới được tạo lập đi ngược với quy luật thị trường.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, bất động sản du lịch, dịch vụ, cho thuê ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Bên cạnh đó các công trình dừng thi công do dịch bệnh cũng làm các dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, giá bất động sản không giảm vì nguồn cung tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM đang thiếu.

“Giá đất ở huyện Thạch Thất lên đến hơn 20 triệu đồng/m2 là vô lý, ở đây có hiện tượng đầu cơ thổi giá, dù hạ tầng khu vực dọc Đại lộ Thăng Long rất tốt, hướng phát triển đô thị trong dài hạn sẽ mở về đây nhưng giá đất không thể lên bất thường như thế mà phải cần một quá trình tạo lập dự án, xây dựng” - ông Điệp nói./.

Theo Phương Hoài

VOV