Tại sao các dự án giao thông ở Bình Dương lại "đình trệ"?

Nhiều dự án "dậm chân tại chỗ"

Dự án đường ĐX02 nối dài từ đường Huỳnh Văn Lũy đến đường Đồng Cây Viết (liên khu phố 1-5), phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một có chiều dài khoảng 3km.

Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Thủ Dầu Một làm chủ đầu tư và được giao cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Ngọc Bảo thi công.

Tại sao các dự án giao thông ở Bình Dương lại "đình trệ"? - Ảnh 1

Nhiều đoạn trên đường DDX02 chưa được thi công

Theo Quyết định số 5474 ngày 20/12/2021 của UBND thành phố Thủ Dầu Một, dự án dự kiến hoàn thành trong vòng 360 ngày. Sau đó, thời gian hoàn thành dự án đã được điều chỉnh đến tháng 12/2024.

Mặc dù đã được gia hạn, tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm và hiện nay chỉ mới đạt khoảng 60% khối lượng công việc. Hiện tại, một số đoạn đường chưa được san ủi, nhiều đoạn vỉa hè vẫn chưa được thi công hoàn thiện, cỏ dại mọc um tùm, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương.

Tại sao các dự án giao thông ở Bình Dương lại "đình trệ"? - Ảnh 2

Bà Bảy cho biết, cỏ mọc um tùm gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường

Bà Nguyễn Thị Bảy, người dân trên đường ĐX02 cho rằng do tiến độ thi công đường chậm nên ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. "Trên vỉa hè, đá đổ đống, nước đọng nên không dùng cuốc để phát cỏ được nên phải lấy liềm ra cắt. Thế nhưng cắt vài bữa nó lại mọc lên nữa nên muỗi sinh sôi rất nhiều. Đường này làm sao kéo dài quá, nên mong muốn làm cho nhanh, cho sớm để sạch sẽ".

Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, thế nhưng đến nay, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Dương với chiều dài 12,7km vẫn chưa đạt được tiến độ như mong đợi. Công trình mới chỉ hoàn thành một phần nhỏ và thi công theo kiểu "da beo". Bên cạnh đó, việc chưa di dời các trụ điện đã gây bất tiện cho người dân.

Tại sao các dự án giao thông ở Bình Dương lại "đình trệ"? - Ảnh 3

Đường Quốc lộ 13 nhiều đoạn chưa thi công nên nhếch nhác, ngập úng

Việc thi công gián đoạn, gây ra tình trạng ngập úng, cỏ dại mọc um tùm, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sinh hoạt, mua bán của người dân.

Bà Hoa, chủ cửa hàng quạt, điện máy trên đường Quốc lộ 13 chia sẻ, từ khi dự án triển khai, doanh thu cửa hàng của giảm hơn 50%. Đường xá nhếch nhác, ngổn ngang khiến khách hàng ngại ghé. Nếu tình trạng này kéo dài, buộc phải đóng cửa cửa hàng vì không đủ tiền để duy trì.

"Buôn bán lâu năm nên có khách quen, giờ chuyển địa điểm cũng khó, do đó, buộc phải cố gắng gồng gánh chứ không biết như thế nào. Hiện tại như vậy chứ kéo dài hơn nữa thì không biết sẽ ra sao, nếu không trụ được thì phải đóng cửa hàng. Giờ tới đâu hay tới đó nên trông cho con đường sớm hoàn thiện để ổn định, chứ giờ mưa nước ngập mình còn không vô được thì huống chi là khách hàng", bà Hoa trăn trở.

Ngoài 2 dự án trên, dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (thành phố Tân Uyên); dự án nâng cấp, mở rộng đường Huỳnh Văn Lũy ở thành phố Thủ Dầu Một cũng chậm tiến độ.

Cần phải đẩy nhanh tiến độ

Đối với các dự án giao thông trọng điểm như đường ĐT.746, nâng cấp mở rộng đường Huỳnh Văn Lũy, đường ĐX02, quốc lộ 13... một trong những nguyên nhân chính gây chậm tiến độ là vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân chưa đồng ý với mức bồi thường, dẫn đến việc chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua, đồng thời khuyến khích người dân sớm bàn giao mặt bằng để các công trình được triển khai đúng tiến độ.

Tại sao các dự án giao thông ở Bình Dương lại "đình trệ"? - Ảnh 4

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khảo sát các dự án giao thông

Tại các buổi khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương: "Dễ thì làm trước, khó thì làm sau, phải mở cuộc vận động nhân dân. Trường hợp đồng ý thì trả tiền luôn, chưa đồng ý thì đàm phán, thuyết phục, tuyên truyền, thông tin cho bà con vì cái chung. Tái định cư, chúng ta cố gắng đảm bảo quyền lợi cho bà con, thuyết phục mọi người cùng đồng thuận với nhà nước vì sự phát triển chung của tỉnh"

Thực hiện chỉ đạo, các địa phương có dự án đi qua cũng cam kết sẽ sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để thuận lợi cho đơn vị thi công.

Riêng đối với dự án nâng cấp Quốc lộ 13, việc chậm trễ di dời hàng trăm trụ điện là một trong những thách thức lớn nhất. Sở Công Thương Bình Dương cho biết, do chưa có ý kiến chính thức của Trung ương về chi phí di dời lưới điện nên địa phương đã quyết định ứng trước ngân sách để đảm bảo tiến độ dự án. Hiện, các đơn vị liên quan cũng đang thực hiện di dời lưới điện.

Tại sao các dự án giao thông ở Bình Dương lại "đình trệ"? - Ảnh 5

Hiện nay, các đơn vị đang di dời trụ điện

Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Becamex IDC cho biết, trong lúc chờ đợi, đơn vị thi công cũng đã dựng được 156 trụ điện đơn và ghép để sẵn sàng cho công tác kéo điện. “Tồn tại chính là phụ thuộc vào việc giải phóng đường điện, đến thời điểm này công việc này cũng đang được giải quyết. Khi có vị trí trống thì Becamex sẽ thực hiện ngay. Các thủ tục theo pháp lí đến thời điểm này các sở ngành, UBND cũng có hướng giải quyết rõ. Hy vọng thời gian tới, phần kết hợp giữa thi công và các đơn vị sẽ thuận lợi", ông Huy nói thêm.

Việc chậm trễ trong triển khai các dự án giao thông không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mà còn làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu để sớm giải phóng mặt bằng; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng và tiến độ của các công trình. Chỉ khi các dự án được hoàn thành đúng tiến độ, Bình Dương mới có thể phát huy hết tiềm năng và trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của khu vực như quy hoạch đã đề ra.