Tăng bảng giá đất, Hà Nội lo chủ đầu tư “tranh thủ” tăng giá bán bất động sản
5 năm, doanh nghiệp gánh thêm vài nghỉn tỷ đồng tiền đất
Như Dân trí đã đưa tin, UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về giá các loại đất trên địa bàn, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố, tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đưa ra mức đề xuất tăng bình quân tới 30%.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc điều chỉnh tăng bảng giá đất sẽ làm tăng chi phí đối với người dân, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Cụ thể, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ có tác động một phần đến các chủ đầu tư thực hiện dự án phải nộp tiền sử dụng đất trong trường hợp thửa đất có giá trị dưới 30 tỷ đồng tính theo bảng giá của thành phố.
Theo quy định hiện hành, tiền sử dụng đất được tính bằng giá đất theo bảng giá nhân hệ số điều chỉnh. Tuy nhiên theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, tác động này không lớn vì theo thống kê trong giai đoạn 2015 – 2019 chỉ có khoảng 62 dự án với số thu khoảng 845 tỷ đồng.
Đối với các quận, Hà Nội cho rằng việc đề xuất giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đối với 12 quận tăng bình quân 15% là phù hợp chủ trương của Chính phủ, Thành phố.
Cụ thể, hiện nay các cơ sở sản xuất phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch theo chức năng được phê duyệt đang là yêu cầu bức thiết tại các quận nội thành.
Do đó, Thành phố không khuyến khích sản xuất trong nội thành mà phải từng bước di dời cơ sở sản xuất không phù hợp ra ngoại thành.
Trên địa bàn 12 quận có khoảng 100 đơn vị trong danh mục dự kiến phải di dời do không phù hợp quy hoạch.
Như vậy theo UBND TP, việc tăng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải đất thương mại dịch vụ) phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ và Thành phố, với số lượng các doanh nghiệp sản xuất tại 12 quận như trên sẽ không tác động lớn đến tình hình sản xuất tại các quận này.
Đối với việc điều chỉnh cho loại đất thương mại, dịch vụ, TP cho rằng sẽ đảm bảo phù hợp với lợi nhuận khai thác được từ loại đất này với các ngành nghề: Ngân hàng, cho thuê văn phòng, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí…
Đối với loại đất này, khi xây dựng hệ số điều chỉnh năm 2019, áp dụng cho các thửa đất dưới 30 tỷ đồng hoặc các trường hợp tính tiền thuê đất cho kỳ ổn định tiếp theo, Thường trực Hội đồng Nhân dân TP đã kiến nghị cần phải điều chỉnh tăng lên cho phù hợp với thực tế thị trường. Do vậy, điều chỉnh tăng là phù hợp.
Theo Cục thuế TP. Hà Nội, việc điều chỉnh bảng giá đất trong năm 2020 sẽ có tác động tăng số ghi thu tiền đất cho kỳ ổn định tiếp theo trong năm 2020 khoảng 242 tỷ đồng tính trên tổng số 2.520 doanh nghiệp và trong 5 năm áp dụng dự kiến tăng 2.287 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh này sẽ làm tăng chi phí sản xuất của các đơn vị, tuy nhiên đối với loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ chi phí chiếm tỷ trọng lớn trong giá bán hàng hoá dịch vụ là giá vốn của hàng bán, chi phí nhân công, chi phí bán hàng…. Chi phí thuê đất không phải khoản chi phí chi phối và có tỷ trọng thấp. Do đó, việc tác động sẽ không nhiều, theo đánh giá của lãnh đạo TP. Hà Nội.
Hà Nội lo chủ đầu tư “tranh thủ"
Đáng chú ý, đề cập đến câu chuyện tranh cãi “nóng" nhất thời gian qua về việc liệu điều chỉnh bảng giá đất có tác động nhiều đến giá thị trường bất động sản, UBND TP. Hà Nội đã có những lý giải.
Các hộ nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.
Trước đó, ngay sau thông tin bảng giá đất áp dụng cho năm 2020 - 2024 tại nhiều nơi sẽ tăng, trong đó Hà Nội dự kiến tăng bình quân 15 - 30%, nhiều doanh nghiệp cũng lên tiếng cho biết, giá nhà sẽ tăng khi chi phí đầu vào tăng.
Cụ thể, khi khung giá mới tăng nhiều so với giá cũ sẽ làm cho việc triển khai các dự án bất động sản khó khăn hơn, đồng thời chi phí xây dựng hạ tầng cũng tăng vì mức đền bù, giải phóng mặt bằng cao, chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh đều tăng lên.
Trong khi tín dụng cho bất động sản ngày càng bị thắt chặt, khó khăn về nguồn vốn cùng với những “đau đầu" trong thủ tục thì việc tăng giá đất sẽ góp thêm phần khiến doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc đầu tư. Với tình trạng như hiện nay thì trong thời gian tới, nguồn cung dự án nhà ở được dự báo sẽ tiếp tục giảm.
Để tránh tác động xấu tới thị trường, nhiều chuyên gia đã đề xuất việc khoanh vùng khu vực để phân chia mức tăng hợp lý. Chẳng hạn, tại các khu vực hạn chế xây nhà cao tầng, phát triển nhà ở như khu vực quận nội đô thì có thể tăng, thậm chí tăng mạnh.
Còn lại các khu vực khuyến khích phát triển nhà ở như khu vực Hà Đông hay Sóc Sơn... thì không nên tăng, thậm chí có những khu vực còn có thể tính toán giảm để khuyến khích phát triển nhà ở.
Nguyễn Mạnh