Tập đoàn Hoa Sen và giấc mơ ngành địa ốc còn dang dở

Giấc mơ địa ốc còn đang dang dở...

Theo tìm hiểu, Hoa Sen đang đẩy mạnh ở mảng bất động sản thông qua Công ty CP Hoa Sen Yên Bái. Tháng 5/2024, Hoa Sen Yên Bái đã nâng vốn lên 621 tỷ đồng để "hồi sinh" dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái. Đây là dự án trung tâm thương mại dịch vụ, khách hàng. Dự án này được triển khai từ năm 2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 2023 - 2024, Tập đoàn Hoa Sen cho biết, trong năm 2024, tập đoàn đã chào thầu và đang thi công hoàn thiện dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái để đưa vào hoạt động. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận cuối năm tài chính 2023 - 2024 (kết thúc ngày 30/9/2024) ghi nhận hơn 389,4 tỷ đồng, tăng 1% so với niên độ trước.

Vị trí dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái nằm tại khu "đất vàng" phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái nhưng đã "đắp chiếu" kể từ năm 2016 tới nay. Đây đã từng được đặt nhiều kỳ vọng nhưng sau đó công trình không thể hoàn thiện và đi vào khai thác theo như kế hoạch. Báo cáo thường niên 2019 của Tập đoàn Hoa Sen phản ánh, đối với khối nhà trung tâm thương mại, đã hoàn tất xây dựng cơ bản phần thô, đang hoàn thiện nội thất, thi công cơ điện, phòng cháy chữa cháy.

Đáng chú ý, phần chi phí dở dang tại dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái vẫn luôn ghi nhận nhích tăng.

Khách sạn Hoa Sen Yên Bái dang dở nhưng ông Lê Phước Vũ vẫn xúc tiến thêm nhiều dự án bất động sản 600 - 700 ha

Dù chưa có động thái khởi công lại dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái nhưng mới đây, ông Lê Phước Vũ đã thông tin, HSG đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án tiềm năng tại Đồng Nai nhằm đón đầu làn sóng phát triển khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Thậm chí, ông Vũ còn cho biết, Hoa Sen phải làm đô thị 600 - 700 ha chứ không làm nhỏ.

Thực tế, Hoa Sen đã lấn sân sang bất động sản từ lâu, nhưng gặp nhiều trắc trở và đến nay vẫn chưa ghi được dấu ấn rõ ràng.

Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP. HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP. HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP. HCM); dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP. HCM) và dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Thế nhưng chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép.

Kinh doanh thép - mảng cốt lõi của Hoa Sen có gì khởi sắc?

Quay trở lại với ngành nghề kinh doanh chính là thép, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 niên độ tài chính năm 2024 - 2025 (bắt đầu 1/10/2024 và kết thúc 31/12/2024), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.222 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Do giá vốn tăng chậm hơn nên lợi nhuận gộp tăng 27% so với cùng kỳ, ở mức 1.205 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm không đáng kể nhưng chi phí tài chính đội thêm 51% lên gần 75 tỷ đồng, chủ yếu do lãi vay tăng mạnh. Cùng chiều, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 15% và 37%, lên mức 849 và 143 tỷ đồng.

Kết quả, Tập đoàn Hoa Sen báo lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 60% lên mức hơn 165 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen vay nợ ngân hàng hơn 6.400 tỷ đồng

Tại thời điểm cuối năm 2024, "ông lớn" ngành tôn mạ này có tổng tài sản hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 27% chỉ sau quý đầu niên độ. Trong đó, tiền mặt có 1.497 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với đầu kỳ, chủ yếu nhờ tăng mạnh các khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 21% về còn 2.360 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng nhẹ lên gần 9.750 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 8,3% sau 3 tháng lên mức 719 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở dự án khách sạn Hoa Sen Yên Bái (392 tỷ đồng), dự án Hoa Sen Phú Mỹ (153 tỷ đồng).

Cùng với sự thăng hoa của lợi nhuận thì tổng nợ phải trả của Tập đoàn cũng ghi nhận tăng lên 8.680 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 6.410 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng chỉ trong vòng 3 tháng và toàn bộ đều là nợ ngân hàng.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - Chi nhánh KCN Bình Dương đang là chủ nợ lớn nhất của Hoa Sen với giá trị cho vay ngắn hạn là gần 3.200 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nợ).

Chủ nợ lớn thứ hai của của Hòa Sen là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Nam Bình Dương với giá trị hơn 2.550 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn vay nợ tại nhiều ngân hàng khác như HSBC (222 tỷ đồng), BIDV (170,5 tỷ đồng);...

Trước đó, trong niên độ tài chính 2022 - 2023, Hoa Sen đã tất toán toàn bộ các khoản nợ vay bằng USD, đảm bảo không ghi nhận chênh lệch tỷ giá từ các khoản nợ vay cho dù tỷ giá có biến động trong tương lai.

Đồng thời doanh nghiệp này cũng đã thanh toán toàn bộ các khoản nợ vay dài hạn, giảm đáng kể chi phí lãi vay có thể phát sinh.