Tập đoàn xây dựng hàng đầu Trung Quốc muốn đầu tư loạt dự án ở Quảng Ninh
Nghiên cứu đầu tư loạt dự án trọng điểm tại Quảng Ninh trong năm 2025
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có buổi tiếp, làm việc với bà Ngô Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), ngày 6/1.
Tại buổi làm việc, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đề nghị nghiên cứu, đầu tư Dự án hầm Cửa Lục; Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị tại khu vực phía bắc vịnh Cửa Lục; và Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (monorail) liên kết Hòn Gai - Bãi Cháy - Bắc vịnh Cửa Lục...
Theo ông Diện, các dự án được Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đề nghị nghiên cứu đều là các công trình trọng điểm đang được tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai thực hiện. Đây là các dự án động lực quan trọng nằm trong kế hoạch phát triển của tỉnh.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành liên quan sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, sớm đi đến thống nhất và có được những hợp tác cụ thể, toàn diện. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là nhà đầu tư cần bám sát các quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của Bộ GT-VT và quy hoạch của Quảng Ninh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương bắt tay ngay vào triển khai công tác nghiên cứu, các thủ tục chuẩn bị đầu tư trong năm 2025.
Doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Trung Quốc "khủng" đến cỡ nào?
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thuỷ lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác. Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là doanh nghiệp xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, thứ 19 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới. Năm 2023, Tập đoàn Thái Bình Dương đạt doanh thu gần 80 tỷ USD.
Tập đoàn đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.
Những năm gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là tăng cường trao đổi, hợp tác với 10 nước ASEAN, Trung Tây Á và Trung Đông Âu. Hiện Tập đoàn này đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia.
Theo thống kê, hiện Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương có hơn 500 công ty cổ phần và có hơn 100 công ty đầu tư đối ngoại trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, hồi đầu tháng 1/2024, Tập đoàn này đã ký kết bản ghi nhớ với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Theo biên bản ghi nhớ, các bên liên quan thống nhất cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Hà Nội, trong đó tập trung vào hai dự án. Đầu tiên là dự cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án thứ hai là đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án này là khoảng 85.000 tỷ đồng.