“Té nước theo mưa”, bất chấp đại dịch, chủ đầu tư vẫn tăng giá nhà

“Té nước theo mưa”, bất chấp đại dịch, chủ đầu tư vẫn tăng giá nhà - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Khơi thông nguồn cung để giá nhà đi xuống trong các năm tới.

Chủ đầu tư lợi dụng "té nước theo mưa", tăng giá bất chấp

Bất chấp thực trạng giao dịch khó khăn, giá bán BĐS liên tục tăng qua các năm. Nếu ở thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình tăng từ 10-15% qua mỗi năm thì mức tăng thứ cấp có nơi 20-30%.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, một nguyên nhân nữa khiến giá BĐS khó giảm là do chi phí triển khai dự án ngày càng tăng cao và doanh nghiệp hiện nay vì yếu tố chi phí, thủ tục và lợi nhuận mà chỉ chú trọng phát triển nhà cao cấp, bỏ qua thị trường nhà bình dân.

“Trước đây giá nhà Hà Nội luôn cao hơn TP.HCM nhưng hiện nay giá nhà TP.HCM đã vượt xa Hà Nội. Giá bán nhiều dự án tại TP.HCM đang bị đẩy lên mức cao, thấp nhất cũng 30 triệu đồng/m2 trong khi chất lượng vẫn ở tầm bình dân. Việc tăng giá bán sơ cấp này có nhiều trường hợp là do chi phí phát triển dự án gia tăng qua các năm khiến CĐT buộc phải tăng giá bán theo, nhưng cũng không ít chủ đầu tư lợi dụng thời điểm thị trường khan hiếm mà té nước theo mưa, tăng giá ăn theo bất chấp”, ông Đính chia sẻ.

Nhà ở thương mại 20 triệu đồng/m2: Dân đỏ mắt trông nhưng liệu có khả thi?

Mặc dù đưa ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp như giảm tiền thuế, tiền sử dụng đất… tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn cho rằng đối với một số khu vực phát triển như ở Hà Nội, TP.HCM thì mức giá 20 triệu đồng/m2 vẫn khó khả thi.

“Té nước theo mưa”, bất chấp đại dịch, chủ đầu tư vẫn tăng giá nhà - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Hình minh hoạ.

Đáng lưu ý, các doanh nghiệp vừa qua than thở rất nhiều việc thủ tục kéo dài khiến chi phí bị đội lên.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cho biết thời gian là vàng bạc. Một dự án chuẩn 5 năm chưa xong thì làm sao chi phí không đội lên. Tiền bỏ ra “lãi mẹ đẻ lãi con”. Nếu chi phí thủ tục rút gọn chỉ còn 1 năm thôi là tốt lắm, khả quan lắm rồi, còn dưới 1 năm càng tốt.

Đặc biệt với phân khúc nhà giá rẻ, nhà xã hội ông Hà cho rằng, càng nên rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục. Để làm sao tốc độ phê duyệt dự án nhanh hơn, quy trình gọn nhẹ hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm nhẹ chi phí đầu vào.

BĐS công nghiệp đón "đại bàng": Đâu phải rời Trung Quốc là sang Việt Nam

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giá đất khu công nghiệp đang tăng quá cao. "Trước khoảng 100 USD thấy cao rồi, hôm vừa rồi có người nói 150 USD”, ông Hoàng cho rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của các khu công nghiệp.

Theo ông Hoàng, muốn mời “đại bàng” đến thì phải có sẵn nguồn lực đất đai. Tuy nhiên hiện nay quỹ đất đang thu hẹp lại dần, thêm vào đó giá lại càng cao.

“Té nước theo mưa”, bất chấp đại dịch, chủ đầu tư vẫn tăng giá nhà - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giá đất khu công nghiệp đang tăng quá cao.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, không phải cứ rời khỏi Trung Quốc là vào ngay Việt Nam. “Họ nhìn vào ASEAN, Ấn Độ. Ấn Độ có tính cạnh tranh rất cao”, ông Thành nói.

Theo nhìn nhận của ông Thành, khu vực ASEAN chưa có một nền kinh tế đơn lẻ nào đủ sức có thể thay thế Trung Quốc làm chuỗi cung ứng toàn cầu mà phải liên kết với nhau lại.

Người nước ngoài mua BĐS du lịch: Có lo an ninh quốc phòng?

Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đây mới chỉ là đề xuất từ phía bộ sau khi ghi nhận ý kiến từ nhiều bên liên quan về vấn đề này.

Trước câu hỏi về lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng khi cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch, trong khi phân khúc này chủ yếu nằm ở ven biển, ông Hùng cho biết, sẽ có những biện pháp để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Vấn đề an ninh quốc phòng luôn được đặt lên hàng đầu.

GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng việc thực hiện cho phép người nước ngoài mua bất động sản du lịch phải gắn liền với việc đưa ra các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng. Vì vấn đề địa chính trị, ông Võ cho rằng, phải có giải pháp kỹ thuật nào ngăn người Trung Quốc sở hữu dự án ven biển.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)