Tết cận kề, "của để dành" của các doanh nghiệp bất động sản còn bao nhiêu?

Với doanh nghiệp bất động sản, khoản người mua trả tiền trước hay doanh thu chưa thực hiện là các khoản ứng trước từ khách hàng có nhu cầu mua nhà dự án của chủ đầu tư nhưng chưa nhận bàn giao tại ngày kết thúc kỳ kế toán. Đây có thể được xem như "của để dành" để doanh nghiệp ghi nhận vào doanh thu, lợi nhuận sau khi hoàn thành bàn giao bất động sản.

Các khoản "của để dành" được coi như tài sản tích lũy, là nguồn lực dự trữ của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo.

Theo thống kê từ VietstockFinance, giá trị của để dành của 115 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán tại thời điểm 30/9/2024 là hơn 140.700 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Trong đó, 56 doanh nghiệp ghi nhận tăng, 54 doanh nghiệp giảm và 5 doanh nghiệp không đổi.

Đáng chú ý, Vinhomes và Novaland vẫn dẫn đầu về tích lũy "của để dành" khi lần lượt có giá trị hơn 50.400 tỷ đồng (tăng 38% so với hồi đầu năm) và gần 20.300 tỷ đồng (tăng 6%).

Được biết, trong quý 3, dự án Vinhomes Royal Island tại Hải Phòng đã mở bán 2 phân khu - Hoàng Gia và Đảo Vua; đồng thời bàn giao hơn 500 căn shop thương mại dịch vụ và shop house tại phân khu Tài Lộc. Do đó, có khả năng cao việc của để dành của Vinhomes tăng là nhờ đợt mở bán này.

Theo sau là CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP) khi sở hữu 11.954 tỷ đồng của để dành, trong đó có hơn 11.800 tỷ đồng là doanh thu chưa thực hiện, tăng 5% sau 9 tháng đầu năm; CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) lại tăng đến 87%, gần chạm mức 1.100 tỷ đồng.

Ở hàng trăm tỷ, các doanh nghiệp có thể kể đến như Đất Xanh 983 tỷ đồng, C.E.O 846 tỷ đồng, Hoàng Quân 807 tỷ đồng, TTC Land 699 tỷ đồng, An Gia 655 tỷ đồng, EverLand 511 tỷ đồng, Nam Mê Kông 464 tỷ đồng, LDG Group 434 tỷ đồng, Xuân Mai 245 tỷ đồng, CII 231 tỷ đồng…

Không thể không kể đến "tân binh" sàn UPCoM, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco khi ghi nhận của để dành tăng 73%, lên 111 tỷ đồng. Công ty cho biết, đây chủ yếu là số dư các khoản thanh toán theo tiến độ của khách hàng ký hợp đồng mua bán tại các bất động sản như: dự án Alacarte Hạ Long, dự án N01-T6 Đoàn Ngoại giao, dự án số 4 Thanh Hóa (Central Riverside)…

Trong nhóm doanh nghiệp có của để dành giảm, CTCP The Golden Group (UPCoM: TGG) dẫn đầu danh sách khi giảm đến 95%, còn chưa đến 1 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) ở vị trí thứ hai khi giảm 93%, còn 21 tỷ đồng.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HoSE: VPI) ghi nhận mất mốc 1.000 tỷ đồng, giảm về 113 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024, tương đương giảm 89%. Nguyên nhân chủ yếu do VPI không còn ghi nhận 700 tỷ đồng tiền tạm ứng của đối tác để mua phần vốn góp công ty con.

Bên cạnh đó, Công ty cũng không còn giá trị người mua trả trước tại dự án Vlasta Sầm Sơn (đầu năm hơn 60 tỷ đồng) và The Terra An Hưng (đầu năm gần 749 triệu đồng); đồng thời giảm giá trị trả trước dự án The Terra Bắc Giang hơn 68%, còn 84 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Công ty có thêm hơn 22 tỷ đồng khoản trả trước từ dự án Yên Phong - Bắc Ninh.