Thành phố phía Đông TPHCM: Trọng tâm trong vùng "tam giác vàng"
Việc đề xuất thành lập thành phố phía Đông TPHCM gồm: Quận 9, 2 và Thủ Đức đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. Các chuyên gia về bất động sản cũng nhận định, thị trường nhà đất sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thông tin cũng như đề xuất này thành hiện thực.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc một công ty bất động sản còn khẳng định: "Không chừng nhà đất sẽ "đắt xắt ra miếng" vì bất động sản hưởng lợi từ hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ của khu Đông TPHCM".
Theo ông Hậu, hiện nay, 3 quận được chọn để sáp nhập đang có nhiều lợi thế như: Các khu đại học ở quận Thủ Đức là nơi đào tạo bậc cao; Khu công nghệ cao ở quận 9 là nơi sản xuất tiên tiến và khu đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm của tài chính và kinh doanh.
Kèm theo đó là hệ thống hạ tầng đã và đang được hoàn thiện như: Xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...
Thực tế, những năm qua, khu Đông TPHCM là khu vực được thành phố đầu tư mạnh nhất về hạ tầng giao thông. Theo thống kê giai đoạn 2010-2020, TPHCM triển khai 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn 350.000 tỷ đồng, 70% trong số này kết nối với khu Đông.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Việc quy hoạch và xây dựng thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế.
Đồng thời trở thành nơi hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các doanh nghiệp, đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại… phục vụ cuộc sống người dân, vươn tầm thế giới.
Trong buổi làm việc giữa Chính phủ và lãnh đạo TPHCM vào ngày 8/5 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố phía Đông sẽ là quả đấm về kinh tế và dự báo sẽ đóng góp đến 30% GRDP của TPHCM.
Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, khu đô thị phía Đông sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5 – 10 năm tới. Khu đô thị này sẽ có quy mô dân số hơn 1 triệu người, chiếm 10% dân số thành phố với diện tích 21.000 ha, chiếm 10% diện tích của thành phố.
Theo lộ trình, đề án Khu đô thị phía Đông sẽ được TPHCM trình Quốc hội trong năm 2020. “Nếu được thông qua, từ năm 2021 trở đi, TPHCM có thể bắt tay triển khai”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao thành phố phía Đông. Ban chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND TPHCM làm trưởng ban.
Theo đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị phía Đông. Đồng thời xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc. Từ đó nghiên cứu các chính sách, giải pháp nguồn lực thực hiện quy hoạch phát triển đô thị.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian tới sẽ xúc tiến ký kết hợp đồng với các đơn vị tư vấn để cụ thể hóa ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch.
Đồng thời, thành phố sẽ rà soát cơ sở pháp lý hiện nay, xây dựng các quy định mới tạo điều kiện thuận lợi nhất hình khu đô thị sáng tạo phía Đông. Từ đó là tiền đề cho ra đời thành phố khu Đông thuộc TPHCM.
Ông Phong cho rằng, việc thành lập “Thành phố phía Đông” không chỉ là vấn đề quản lý hành chính, nó còn thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của Trung ương, nâng tầm khu Đông thành trung tâm kinh tế, tạo động lực phát triển cho TPHCM và cả Đông Nam Bộ.
Do đó, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, thu hút nhân tài, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư… sẽ là những bước đi cần thiết trong lộ trình hiện thực hóa "Thành phố phía Đông".
Quế Sơn