Thanh tra các dự án đầu tư có vốn ngân sách ở huyện Cần Giờ, TP.HCM: Kéo dài thời gian, chi phí tăng
Thật vậy, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, Ban Quản lý dự án Cần Giờ đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công tại 251 dự án. Với tổng số vốn được giao là 5.531,5 tỷ đồng và đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là 5.360 tỷ đồng. Trong 251 dự án có: 22 dự án do sở, ngành quyết định đầu tư; 229 dự án do UBND huyện Cần Giờ quyết định đầu tư; 3 dự án chưa có quyết định đầu tư.
Trong số 251 dự án, có tới 90 dự án bố trí vốn kéo dài gồm: 29 dự án nhóm B được bố trí vốn quá 4 năm và 61 dự án nhóm C được bố trí vốn quá 3 năm, sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Thanh tra TP.HCM: Việc bố trí vốn kéo dài chưa phù hợp với quy định của Nghị định 77/2015/NĐ-CP và Luật Đầu tư công năm 2019. Trong đó, có tới 57 dự án kéo dài, không bảo đảm thời gian thực hiện như: Quyết định phê duyệt dự án ban đầu, phải gia hạn thời gian thực hiện và thời gian triển khai thực hiện các gói thầu, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Có 25/251 dự án triển khai trong giai đoạn 2018 - 2022 đã xác nhận khối lượng nghiệm thu hoàn thành. Nhưng, tại thời điểm xác nhận giá trị nghiệm thu, chưa được bố trí đủ vốn để thanh toán, dẫn đến còn nợ giá trị là 5,2 tỷ đồng. Việc bố trí chưa đủ vốn để thanh toán là không đúng nguyên tắc về bố trí vốn kế hoạch đầu tư công, quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019.
Có 142/251 dự án đã được nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, có 102/142 dự án chậm thực hiện quyết toán vốn đầu tư so với quy định về thời gian lập, trình thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án.
Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra hàng loạt dự án bố trí vốn kéo dài, làm giảm hiệu quả đầu tư. Trong đó, phải kể tới dự án "Xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh (từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh)", có mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Dự án này thuộc nhóm B, có thời gian bố trí vốn quá 5 năm và được đề xuất kéo dài, chưa bảo đảm theo quy định. Hiện nay, dự án vẫn đang dở dang, với quá nhiều sai phạm…
Mặt khác, chi phí bồi thường, hỗ trợ tại dự án này là 239,4 tỷ đồng (thời điểm năm 2023), tăng hơn 7,2 lần so với dự toán (32,8 tỷ đồng) được phê duyệt. Theo Thanh tra TP.HCM, nguyên nhân chính để xảy ra các phát sinh trên, là do:
Đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập tổng mức đầu tư và Ban quản lý dự án Cần Giờ chưa điều tra, khảo sát, thống kê việc sử dụng đất, công trình trên đất bị ảnh hưởng. Trái lại, các đơn vị này chỉ căn cứ theo tập tin tài liệu bản đồ địa chính 2003 - 2005.
Các tài liệu này không rõ nguồn cung cấp, chưa bảo đảm bám sát với hiện trạng thực tế và chưa rà soát đầy đủ cơ sở pháp lý sử dụng đất. Từ đó, dẫn đến có sự sai lệch lớn về số diện tích đất đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ…
Dự án thứ 2 có "vấn đề" là dự án "Di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tại xã Thạnh An (huyện Cần Giờ)". Đây là dự án thuộc nhóm B, nhưng có thời gian bố trí vốn thực hiện dự án quá 5 năm. Tại dự án này, công tác khảo sát, lập dự án không chặt chẽ, việc phân tích, tính toán chọn phương án khả thi dự án chưa sát với thực tế. Vì vậy, việc thực hiện dự án ở giai đoạn sau phải thay đổi, bổ sung thiết kế, vượt quá tống mức vốn đầu tư ban đầu được duyệt, gây khó khăn trong việc thanh toán và lãng phí vốn đầu tư.
Trong dự án trên, việc chỉ định nhà thầu làm đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu, của các gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Và, việc nhà thầu tư vấn thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao hồ sơ mời thầu của các gói thầu, được hoàn tất chỉ trong… một ngày làm việc. Điều này là không hợp lý về thời gian thực hiện, có dấu hiệu mang tính hình thức, không thực chất…
Qua thanh - kiểm tra thực tế công trình, cho thấy Phòng Quản lý đô thị huyện Cần Giờ và UBND thị trấn Cần Thạnh, đã không thực hiện công tác quản lý, không đưa vào khai thác sử dụng như mục tiêu ban đầu của dự án; không thực hiện các biện pháp bảo dưỡng, bảo trì theo quy định.
Hiện nay, công trình có dấu hiệu xuống cấp, một vài điểm tại phần thảm bê tông lục lăng dọc bờ kè bị sụp lún, phần bản mặt cầu xuông cấp, một vài trụ lang can cầu bị mục, các chân trụ bê tông cầu bị xói mòn...
Tại dự án "Xây dựng mới cầu Rạch Sở Mía". Đây là dự án thuộc nhóm C, nhưng có thời gian bố trí vốn thực hiện dự án quá 3 năm. Dự án chưa đảm bảo theo chủ trương đầu tư ban đầu. Công tác điều tra, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập tổng mức đầu tư dự án chưa chặt chẽ và sát với thực tế, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện , phát sinh thêm chi phí bồi thường, chi phí xây dựng, làm tăng tổng mức đâu tư dự án, làm chậm giải ngân vôn ngân sách.
Thanh tra TP.HCM còn cho biết, Ban quản lý dự án Cần Giờ chưa thực hiện hoàn trả chi phí bảo hành cho các nhà thầu, tại một số dự án đã hết thời gian bảo hành đã lâu, với tổng số tiền là 33, 6 tỷ đồng, theo các điều khoản đã ký kết tại Hợp đồng kinh tế.
Với các sai phạm trên, Thanh tra TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét xử lý trách nhiệm các nhân tổ chức sai phạm từng thời kỳ.
Rà soát lại việc chi thu nhập tăng thêm từ năm 2018 đến năm 2022 của Ban quản lý dự án Cần Giờ. Chuyển thông tin về dấu hiệu gian lận trong đấu thầu và làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu cúa cơ quan tổ chức, đến Công an TP.HCM xem xét, xử lý đối với "gói thầu số 1 - xây lắp", thuộc dự án "Xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh (từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh)" theo quy định của luật pháp.