Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở, hạn chế việc nhà đầu tư đi gom đất nông nghiệp
Thời gian qua, thị trường bất động sản tại các tỉnh thành phố như TP.HCM luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Các dự án nhà giá rẻ, nhà ở bình dân ngày càng khan hiếm do những khó khăn trong việc tạo lập quỹ đất.
Để giải quyết tình hình trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại. Cụ thể, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, thí điểm trong 5 năm.
Liên quan đến vấn đề trên, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (gọi tắt là Dự thảo nghị quyết thí điểm).
Dự thảo nghị quyết thí điểm được thông qua sẽ có thay đổi lớn về việc thực hiện dự án nhà ở. Ảnh: Gia Linh
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, nếu Dự thảo nghị quyết thí điểm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 này thì sẽ có thay đổi lớn về việc thực hiện dự án nhà ở. Cụ thể, bên cạnh phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Đồng thời, Dự thảo cũng bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại để làm đầy "khoảng trống" do điểm b khoản 1 và khoản 6 điều 127 luật Đất đai 2024 chưa quy định các trường hợp này.
Đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết thí điểm quy định các tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm, đặc biệt là tiêu chí diện tích đất ở trong các dự án thực hiện thí điểm không vượt quá 30% của phần diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Đánh giá của HoREA, quy định tiêu chí tổng diện tích đất ở trong các dự án thực hiện thí điểm không vượt quá 30% của phần diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch sẽ không thể xảy ra tình trạng nhà đầu tư lợi dụng Nghị quyết thí điểm để mua gom đất nông nghiệp tràn lan hoặc lấy đất trồng lúa để làm dự án nhà ở thương mại.
"Luật Đất đai 2024 đã quy định rất chặt chẽ về quy hoạch đất trồng lúa và cơ chế bảo vệ đất lúa rất nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, luật Đất đai 2024 cũng đã quy định điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án", ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Vì vậy, HoREA cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết để có tác động lớn đến thị trường. Chia sẻ với Dân Việt, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho hay quy định mới nếu được thông qua sẽ là một trong những tín hiệu đáng mừng cho thị trường.
"Cơ quan chức năng đã cho phép sử dụng tài nguyên đất, tạo nguồn cung cho lĩnh vực bất động sản. Nếu thí điểm thành công thì nhà ở thương mại này chắc chắn sẽ có giá rẻ hơn so với giá nhà ở thương mại hiện nay và người dân có nhu cầu ở thực sẽ có thể mua nhà dễ dàng hơn", vị này cho hay.