Thị trường bán lẻ Việt Nam tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhờ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Điểm sáng khu vực

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 1/3024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,4%. Những con số này phần nào phản ánh nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường bán lẻ.

Nghiên cứu của Savills và Oxford Economics dự báo, dân số TP. HCM và Hà Nội sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người vào năm 2028. Theo Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn dân số vàng, với 21% dân số thuộc độ tuổi 10 - 24. Tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, dự kiến đạt 23,2 triệu hộ gia đình vào năm 2030, theo World Bank, tạo động lực lớn cho tiêu dùng, đặc biệt trong phân khúc cao cấp.

Sự kết hợp giữa kinh tế ổn định, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển ngành bán lẻ cao cấp, hướng tới vị thế ngang tầm với các thị trường lớn trong khu vực.

TP. HCM: Điểm nhấn của thị trường bán lẻ

TP. HCM tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đóng góp 22% GDP cả nước và đạt doanh thu bán lẻ hơn 765.000 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo Savills, trong quý 3/2024, diện tích cho thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại tại TP. HCM đạt 1,6 triệu m², tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, công suất thuê trung bình duy trì ở mức 94%.

Trong quý 4/2024, hơn 27.600 m2 sàn từ 3 dự án mới ngoài trung tâm dự kiến khai trương, đánh dấu bước mở rộng quan trọng trong thị trường bán lẻ TP. HCM.

Đến năm 2027, khu vực ngoài trung tâm sẽ chiếm 55% tổng nguồn cung 163.100 m2, giảm áp lực tại các quận trung tâm và tận dụng hiệu quả hạ tầng giao thông cùng mật độ dân cư cao. Với sự phát triển đồng đều từ trung tâm đến ngoại vi, TP. HCM giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Trung tâm thương mại: Lợi thế vượt trội

Theo Savills, trung tâm thương mại tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu quốc tế nhờ lợi thế về pháp lý, kỹ thuật và sự chuyên nghiệp trong quản lý. Dù giá thuê tại trung tâm TP. HCM cao hơn gấp đôi so với các khu vực bán trung tâm nhưng nơi đây vẫn là điểm đến lý tưởng nhờ khả năng tập trung lượng lớn người tiêu dùng và đa dạng ngành hàng.

Ngoài việc là nơi hội tụ của các thương hiệu xa xỉ, trung tâm thương mại còn thu hút người tiêu dùng thông qua các dịch vụ ăn uống, giải trí và mua sắm đa dạng.

Chính vì vậy, Việt Nam đang xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hấp dẫn, với sự tăng trưởng đồng đều từ trung tâm đến ngoại vi. Các khu vực ngoài trung tâm trở thành điểm sáng nhờ hạ tầng cải thiện và giá thuê cạnh tranh. Với dân số trẻ và kinh tế phát triển ổn định, thị trường bán lẻ Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút đầu tư quốc tế, trở thành điểm sáng của khu vực trong những năm tới.