Thị trường bất động sản cao cấp Lạng Sơn sẵn sàng bứt phá
“Đòn bẩy” từ kinh tế cửa khẩu và hạ tầng giao thông
Với hơn 250 km đường biên giới, có nhiều cửa khẩu, chợ biên giới, là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội – TP. HCM - Mộc Bài, Lạng Sơn sở hữu vị trí địa kinh tế tốt, rất thuận lợi cho thương mại biên giới, hoạt động xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan phát triển.
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc đang là thị trường xuất nhập khẩu (XNK) lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2017, tổng kim ngạch XNK sang Trung Quốc cán mốc 93,8 tỉ đô-la Mỹ, tăng 21,79 tỉ đô-la Mỹ so với năm 2016. Tính đến tháng 11/2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 97,8 tỷ đô-la Mỹ, trong đó riêng Lạng Sơn đã đóng góp 4,855 tỷ đô-la Mỹ vào tổng kim ngạch.
Với 2 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Đồng Đăng và 1 cặp cửa khẩu chính Chi Ma - Ái Điểm, mỗi năm Lạng Sơn đón hơn 2700 doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Hoạt động XNK với Trung Quốc cũng sẽ khiến cho thương nhân và các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát sinh nhu cầu sở hữu nhà ở tại Lạng
Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm: dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 115km... đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông sẵn có: quốc lộ 1A, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc, đường quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, đường quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, đường quốc lộ 4A đi Cao Bằng… giúp liên kết vùng của Lạng Sơn ngày càng hoàn thiện và thúc đẩy tỉnh này phát triển kinh tế cửa khẩu trong những năm tới.
Tiềm năng phát triển du lịch bền vững
Mục tiêu phát triển du lịch bền vững của mỗi địa phương gắn liền với những thế mạnh sẵn có mà không phải nơi nào cũng có được. Lạng Sơn được xem địa phương có thể phát triển du lịch bền vững khi vừa là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống với 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, như khu di tích lịch sử Chi Lăng, thành nhà Mạc…, những công trình tâm linh nổi tiếng: chùa Tam Thanh, đền Kỳ Cùng, đền Bắc Lệ, đền Mẫu Đồng Đăng…, cũng là tỉnh vừa có núi, vừa có sông, vừa có hang động ngay trong lòng thành phố cùng hệ thống chợ nổi tiếng: chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa...
Năm 2018, khách du lịch đến thành phố đạt gần 1,8 triệu lượt (tăng 3% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế trên 180.000 lượt, khách nội địa trên 1,5 triệu lượt. Với mục tiêu của thành phố đến năm 2020 là đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, Lạng Sơn vẫn cần thêm nhiều các dự án bất động sản, du lịch sinh thái… để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và góp phần thay đổi bộ mặt đô thị.
Mở ra các cơ hội đầu tư bất động sản cao cấp tại Lạng Sơn
Nhận diện được tiềm năng phát triển của Lạng Sơn, thời gian qua, khá nhiều nhà đầu tư đã quyết định "đổ" vốn vào địa phương này. Trong đó, dự án của các ông lớn như trung tâm thương mại và khách sạn Vincom, khách sạn Mường Thanh đã sớm đi vào hoạt động, nhiều dự án lớn cũng đang được tích cực triển khai như khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Nguyễn Đình Chiểu có tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, khu đô thị KoSy Green Park (phường Tam Thanh), khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Nà Chuông - Bình Cằm, khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá, khu đô thị mới Mai Pha tại thôn Khòn Khuyên và Pò Đứa (xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn)….
Đặc biệt, gần đây tập đoàn Apec đã quyết định bỏ ra hơn 1000 tỷ đồng để biến khu đất 5,5 ha tại nhà máy xi măng Lạng Sơn (cũ) thành tổ hợp căn hộ, thương mại, dịch vụ Apec Diamond Park theo tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Lạng Sơn. Với vị trí chiến lược, dễ dàng kết nối tới hệ thống hạ tầng, giao thông của khu kinh tế cửa khẩu và thành phố, tiêu chuẩn xây dựng, hoàn thiện và vận hành quốc tế, dự án này không chỉ phù hợp cho những người có nhu cầu nhà ở tại địa phương mà đặc biệt phù hợp với những người đang kinh doanh, làm việc tại Lạng Sơn và khách du lịch đến Lạng Sơn lưu trú.
Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, quan điểm của tỉnh là luôn tạo môi trường thuận lợi nhất, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn. Việc Lạng Sơn được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn chú ý tới thời gian qua đã minh chứng cho sự đúng đắn trong đường hướng phát triển của tỉnh, khẳng định tiềm năng phát triển của thị trường Lạng Sơn và là tín hiệu khả quan để bất động sản Lạng Sơn khởi sắc trong thời gian tới.