Thị trường ít thông tin, thiếu chính xác: Điểm yếu của thị trường bất động sản Việt

Thị trường ít thông tin, thiếu chính xác: Điểm yếu của thị trường bất động sản Việt - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Thông tin rất ít và thiếu chính xác là một trong những điểm yếu của thị trường bất động sản Việt Nam

Đây là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam tại buổi gặp gỡ mới đây với đại diện Ngân hàng Thế giới.

Theo ông Nam, hiện nay vẫn có báo cáo thị trường của các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài nhưng những báo cáo này mang tính cục bộ và hướng về lợi ích của doanh nghiệp, không khách quan, toàn diện. Do đó, việc điều hành, phản ứng của Chính phủ với thị trường, chiến lược của doanh nghiệp, quyết định mua bán của người dân rất cảm tính và đôi khi theo tin đồn.

Nguyên nhân của tình trạng sốt giá ảo

Đề cập đến vấn đề trên, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư, đất đai, nhà ở... và đã đạt được một số kết quả nhất định. Thị trường bất động sản đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội của các địa phương. 

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; đặc biệt, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch...

Thiếu thông tin minh bạch về dự án cũng là thủ phạm chính gây nên sốt ảo giá đất và những diễn biến phức tạp trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM nhận định: giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản bất lương đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng để đẩy giá lên cao. 

Nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, gây mất an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành chức năng triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường bất động sản; kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng; các dự án bất động sản đã được phê duyệt. 

Các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.

Sẽ cung cấp thông tin chính xác

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đang tích cực phối hợp với Hiệp hội bất động sản Việt Nam thực hiện dự án thống kê số liệu nền đầu ra của thị trường bất động sản tại 6 tỉnh, thành phố thí điểm bao gồm Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ. Mặc dù số lượng chỉ có 6 tỉnh, thành phố nhưng đang chiếm đến 80 - 90% lượng giao dịch trên cả nước.

Theo đó, Nhà nước sẽ cung cấp thông tin về số dự án được cấp phép, quy hoạch để có thể dự báo về nguồn cung cầu trong ngắn hạn để công bố hàng quý. 

Hai bên kỳ vọng kết quả thống kê đó sẽ trở thành kênh thông tin chính thức đáp ứng yêu cầu của chính quyền trong công tác quản lý, giúp ích cho doanh nghiệp trong việc định hình chiến lược cũng như hướng dẫn người dân có quyết định mua bán chính xác. Đặc biệt là cung cấp cho báo chí để truyền tải chính xác nhất thông tin tới người dân nhằm ổn định thị trường.

"Dự án này dự kiến thực hiện trong năm 2019, mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một kênh thông tin chính thức cho thị trường bất động sản. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng giúp Bộ Xây dựng, có thể đưa ra một kênh thông tin chính thức cho thị trường. 

Thông tin càng rõ ràng, minh bạch bao nhiêu thì càng làm cho thị trường phát triển ổn định và bền vững bấy nhiêu. Hiệp hội cũng xác định đây là một vấn đề khó bởi bản thân Nhà nước cũng đang còn loay hoay. 

Do đó, việc này cần phải có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý với các tổ chức phi chính phủ và Hiệp hội thì mới có thể thực hiện sớm và thành công", ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh.

Theo: Phan Nam

Vneconomy 

Thị trường ít thông tin, thiếu chính xác: Điểm yếu của thị trường bất động sản Việt - 2

Nhấn để phóng to ảnh