Thông tin mới nhất về dự án trọng điểm mà tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cam kết “tự lo toàn bộ vốn”

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại lễ khởi công Khu đô thị lấn biển Cần Giờ , ngày 19/4. Ảnh: TT
Mới đây, Sở Tài chính TP HCM vừa hoàn tất báo cáo thẩm định trình UBND TP HCM xem xét và chấp thuận về việc giao Tập đoàn Vingroup nghiên cứu lập đề xuất dự án đường sắt đô thị tốc độ cao, kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ , theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, trước khi trình báo cáo thẩm định hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư, Sở Tài chính cho biết, cơ quan này đã lấy ý kiến các sở, ban, ngành liên quan và ba quận, huyện có dự án đi qua, bao gồm quận 7, Nhà Bè và Cần Giờ . Thông qua tổng hợp ý kiến, các cơ quan liên quan cơ bản thống nhất với nội dung đề xuất của Vingroup và đánh giá dự án cần thiết đầu tư, phù hợp với chủ trương, quy hoạch và định hướng phát triển ngành và lĩnh vực giao thông tại TP HCM.

Tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM - Cần Giờ , có chiều dài hơn 48 km và có tốc độ 250 km/h. Ảnh: ĐT
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất dự án nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - chuyển giao). Cụ thể, nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng dự án bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động theo quy định, sở hữu và khai thác, cũng như vận hành sau khi hoàn thành.
Theo phân tích của tập đoàn, dự án đầu tư theo phương thức PPP sẽ có nhiều lợi thế so với đầu tư công (vôn ngân sách hoặc sử dụng vốn vay ODA).
Đáng chú ý, Vingroup cũng cho biết, tập đoàn đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, đồng thời luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp có tổng tài sản, doanh thu và mức đóng góp ngân sách Nhà nước cao nhất. Do đó, Tập đoàn Vingroup bày tỏ mong muốn tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước và riêng TP HCM, đặc biệt trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị.
Với nội dung này, Sở Tài chính TP HCM nhận thấy đề xuất dự án của nhà đầu tư phù với với lĩnh vực thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo quy định của Luật PPP. Vì vậy, trong trường hợp UBND TP HCM thống nhất việc giao nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất đầu tư dự án , Sở Tài chính TP HCM kiến nghị chỉ thống nhất về loại hình dự kiến đầu tư là theo phương thức PPP và chưa xem xét đến loại hợp đồng dự kiến áp dụng.
Ngoài ra, với các nội dung về lợi thế đầu tư và loại hợp đồng PPP (dự kiến áp dụng), Sở Tài chính TP HCM sẽ phối hợp với các sở ngành nghiên cứu, xem xét, cũng như đánh giá chi tiết ở bước xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án . Hơn nũa, các vấn đề chi tiết liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch giao thông, quy hoạch loại hình đường sắt, sự phù hợp kế hoạch sử dụng đất của thành phố nói chung và tại địa phương nói riêng... cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo Sở Tài chính TP HCM, ngoài những nội dung trên, Tập đoàn Vingroup tiếp tục nghiên cứu, đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định, cũng như góp ý của các cơ quan liên quan trong quá trình lập đề xuất đầu tư dự án , để đảm bảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (được lập) được đánh giá đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu, điều kiện, đạt hiệu quả, chất lượng và đúng theo các quy định liên quan.
Tuyến đường sắt giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP HCM đi Cần Giờ

Tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao sẽ kết nối từ quận 7 đến khu vực tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ . Ảnh: VIC
Vừa qua, trong ngày 19/4, tại buổi lễ khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ - Vinhomes Green Paradise, Tập đoàn Vingroup thông tin rằng, khu đô thị lấn biển sẽ được kết nối với trung tâm TP HCM bằng tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao dài 48,5 km. Như vậy, với tốc độ tối đa lên tới 250km/h, người dân và khách du lịch từ khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) đến Khu đô thị lấn biển Cần Giờ chỉ khoảng 16 phút.
Theo Tập đoàn Vingroup , tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao giúp kết nối quận 7 với Cần Giờ sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, với chiều dài khoảng 48,5 km. Tốc độ thiết kế tối đa là 250 km/h, với 2 ga chính dự kiến đặt tại Cần Giờ và quận 7. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư, cũng như nâng cao chất lượng sống của người dân. Chính vì vậy, Vingroup mong muốn được chính quyền TP HCM xem xét và sớm chấp thuận để triển khai dự án .