Thừa BĐS cao cấp: Siết đầu tư mới hay “nới room” cho người nước ngoài?

Thừa BĐS cao cấp: Siết đầu tư mới hay “nới room” cho người nước ngoài? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Để giải quyết bài toán tồn kho cho bất động sản cao cấp, một số doanh nghiệp kiến nghị việc mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp.

Trong báo cáo mới đây được gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.

Theo Bộ này, thị trường xảy ra tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Tuy nhiên, khi giải pháp này đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản vốn gặp khó khăn từ đại dịch, giao dịch vô cùng trầm lắng, thủ tục hành chính nhiều bất cập, nếu Bộ Xây dựng dùng một mệnh lệnh hành chính can thiệp thị trường như vậy sẽ càng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Để giải quyết bài toán tồn kho cho bất động sản cao cấp, một số doanh nghiệp kiến nghị việc mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp nhằm tăng tính thanh khoản.

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thống kê của Hội môi giới cũng cho thấy phân khúc cao cấp đang có lượng hàng tồn kho ở mức cao.

Trong khi đó, ông Đính cho biết nhu cầu của người nước ngoài ở phân khúc cao cấp nhiều hơn trong nước. Vì thế nên xem xét lại quy định theo hướng mở rộng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp, để tăng tính thanh khoản cho phân khúc này.

Theo ông Đính, phân khúc bất động sản ít phù hợp nhu cầu trong nước mà phù hợp với nhu cầu của người nước ngoài nhiều hơn. Chỉ một bộ phận nhỏ thu nhập cao trong xã hội Việt Nam có nhu cầu mua bất động sản cao cấp.

Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đ/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn; trong khi nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đ/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

“Room cho người nước ngoài sở hữu bất động sản cao cấp hiện nay vẫn còn thấp. Giá nhà cao cấp đang bị đẩy lên rất cao, ở TP.HCM có những căn giá lên mấy trăm triệu đồng/m2. Thực sự quá cao so với thu nhập người dân Việt Nam", ông Đính chia sẻ.

Do vậy mới đây Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ nới room (tỷ lệ) được mua nhà tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam.

"Nới room", có lo ngại?

Nói với Dân trí, ông Phạm Đức Toản – Chủ tịch HĐQT Ez Land cũng đồng tình với đề xuất “nới room”, nâng tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp ở Việt Nam, thúc đẩy phân khúc này phát triển thay vì tồn kho, dư thừa.

“Trong bối cảnh thị trường khó khăn, huy động nguồn lực tốt hơn từ nước ngoài vào Việt Nam nên được xem xét, thay vì siết đầu tư mới mang nặng tính can thiệp”, ông Toản nói.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, một đại diện tổ chức nghiên cứu bất động sản cho biết không phải bất cứ dự án cao cấp nào cũng hút khách ngoại nên nhiều dự án không dùng hết tỷ lệ cho phép.

Thêm vào đó, mặc dù sẽ có tác động tích cực là góp phần tăng tính thanh khoản và giảm lượng hàng tồn kho trên thị trường song cũng có xuất hiện một số lo ngại việc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng khi người nước ngoài ở một dự án quá nhiều.

Bên cạnh đó, khi nguồn vốn nước ngoài đổ ngày càng mạnh hơn vào bất động sản cao cấp sẽ khiến doanh nghiệp tập trung phân khúc này mà “lãng quên” đầu tư vào nhà xã hội, căn hộ bình dân.

Từ đó, giấc mơ có nhà người thu nhập thấp ngày càng khó. Do vậy, việc thu hút ra sao, có nên “nới" , “nới" thì “nới" bao nhiêu cần được xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo hài hoà lợi ích các bên.

Nguyễn Mạnh