Thừa Thiên Huế thu hồi nhiều dự án thuộc danh mục "giám sát đặc biệt"

Do nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai, đã có 7 dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động.

Cụ thể: Khu du lịch quốc tế Thuận Phong của Công ty CP Thương mại dịch vụ Thuận Phú; Nhà máy chế biến cát trắng của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương; Nhà máy chế biến cát trắng Phong Điền của Công ty CP Công nghệ khoáng sản Phú Thịnh; Nạo vét thông luông và tận thu cát nhiễm mặn tại cửa biển Tư Hiền - Tư Dung và Thuận An để xuất khẩu của Công ty CP Khai thác khoáng sản 55;

Xây dựng cơ sở 2 Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Tri Phương của Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Tri Phương; Khu nhà ở sinh viên tại Khu quy hoạch Đại học Huế của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Tisco Huế; Khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi bồi Lương Quán của Công ty CP Xây dựng 939.

Thừa Thiên Huế thu hồi nhiều dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Dự án Nạo vét thông luông và tận thu cát nhiễm mặn tại cửa biển Tư Hiền - Tư Dung và Thuận An để xuất khẩu của Công ty CP Khai thác khoáng sản 55, đơn vị thực hiện đã vượt hồ sơ thiết kế hàng trăm ngàn khối cát biển nhưng cửa biển vẫn ách tắc

Đối với các dự án đã hết thời hạn hoạt động, không có kế hoạch tiếp tục triển khai, không có báo cáo gửi cơ quan chức năng về tiến độ hay vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, cơ quan quản lý đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Các dự án nói trên gồm: Khai thác cát thủy tinh lại khu vực Trầm Bầu Bàng của Công ty CP khoáng sản và đầu tư Khánh Hòa; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô; Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam của Công ty TNHH Một thành viên Bãi Chuối (Việt Nam).

Ở nhóm các dự án rà soát, xem xét thu hồi, một số dự án thuộc địa bàn khu kinh tế, công nghiệp tuy nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh vẫn chưa có động thái triển khai trở lại, sớm đưa dự án đi vào hoạt động như: Dự án sản xuất và kinh doanh các loại nhà lắp ghép của Công ty TNHH Quốc tế Kugler; Nhà máy sản xuất kết cấu thép Phú Bài của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Kim Nguyên; Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH MTV Linh Ngọc; Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 3 của Công ty TNHH ACE VINA Constructions (Hàn Quốc).

Thừa Thiên Huế thu hồi nhiều dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Dự án Khai thác cát thủy tinh lại khu vực Trầm Bầu Bàng của Công ty CP khoáng sản và đầu tư Khánh Hòa khi chưa hoàn thiện các thủ tục để khai thác mỏ đã có dấu hiệu tự tiện chở cát thô ra khỏi mỏ để đi bán

UBND tỉnh này đã giao Ban quản lý xem xét, báo cáo UBND tỉnh thống nhất chủ trương thu hồi các dự án nói trên và giao Ban Quản lý thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.

Riêng đối với dự án Khu nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô của Công ty Liên doanh Làng Xanh Lăng Cô, cơ quan thi hành án chưa hoàn thành thủ tục kê biên, phát mại tài sản theo bản án của Tòa án nhân dân TP Hà Nội nên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định; đến nay, Ban Quản lý đã ban hành quyết định thu hồi 6,3 ha đất giai đoạn 2 của dự án chưa triển khai.

Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi dự án có thể kể ra như, một số dự án chậm tiến độ có thể thu hồi nhưng cần phải hoàn chỉnh cơ sở pháp lý nên chưa thể thu hồi; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc; các nhà đầu tư khi đề xuất dự án đầu tư do chưa nắm rõ quy trình, thủ tục trong quá trình triển khai dự án nên để xuất tiến độ dự án chưa phù hợp, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, phải điều chỉnh hay giãn tiến độ thực hiện dự án nhiều lần; một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm và năng lực triển khai so với dự án đề xuất.

Thừa Thiên Huế thu hồi nhiều dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Dự án Nhà máy chế biến cát trắng tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương chính thức bị thu hồi

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư triển khai dự án nằm ở nhiều văn bản pháp luật liên quan khác nhau và có nhiều thay đổi, điều chỉnh (như quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, kinh doanh, an ninh quốc phòng...); một số văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định ban hành chưa kịp thời hoặc chưa được ban hành nên việc thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước trong đầu tư còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Trong năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ kiên quyết xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, sử dụng đất đối với các nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng nội dung cam kết đầu tư, làm căn cứ xử lý ở những giai đoạn tiếp theo đảm bảo đúng quy định.

“Chúng ta cần phải nâng cao chất lượng công tác thẩm định đầu tư nhằm lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, tránh trường hợp lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai dự án. Cần rà soát các quỹ đất có vị trí thuận lợi nếu chưa phù hợp với quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện về tiến độ thực hiện dự án” - ông Định cho biết thêm.

Thừa Thiên Huế thu hồi nhiều dự án thuộc danh mục giám sát đặc biệt - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại Dương