Thực hư làn sóng bán nhà cắt lỗ với giá "giật mình" giữa dịch COVID-19
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, làn sóng này chưa mạnh, chỉ là những trường hợp đơn lẻ.
Ông Trần Minh Nam - Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Tam Giác Vàng cho Lao Động biết, vấn đề rao bán chung cư, nhà cắt lỗ hiện nay đến từ yếu tố dòng tiền, tâm lý và yếu tố thị hiếu.
"Hiện các chủ nhà, nhà đầu tư không sinh được dòng tiền từ các tài sản này nên đều muốn đẩy đi để thu hồi lại tiền mặt, tìm kiếm những cơ hội mới.
Cũng có một số chủ sở hữu khác bị gánh nặng về lãi xuất ngân hàng. Khi tài chính bị ảnh hưởng khiến nguồn thu nhập và vốn không quay vòng được thì buộc phải đẩy bán gấp. Điều này đã tạo nên làn sóng bán nhà, bán bất động sản cắt lỗ.
Theo ông Nam, các bất động sản đang rao bán hiện tại, thì có đến 50% đã có nhu cầu bán trước đợt dịch, nhưng chưa bán được, bị tồn đọng, cộng thêm thị trường đang bị ảnh hưởng dịch đã tạo ra làn sóng bán nhà nhất thời.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong giai đoạn hiện tại, nhiều người đang đẩy mạnh kênh online, vì thế cũng rất nhiều lời mời chào, quảng cáo được tung ra. Đó là cách làm phù hợp với xu thế.
“Thời gian gần đây, hay có lời chào mời về “làn sóng” bán cắt lỗ trong giai đoạn này. Điều này có thật hay không? Tôi cho là chưa. Bởi về phía người bán, họ cũng biết rằng người mua hiện tại cũng chưa sẵn sàng. Muốn mua hay bán một mảnh đất, một căn họ thì phải gặp nhau vài lần, xem nhà, giao kèo… nhưng với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay thì việc này không thuận tiện.
Muốn bán được giai đoạn này phải bán rất rẻ, thậm chí giảm 20-30% giá so với trước đây thì mới có thể bán được ngay. Người bán cũng chưa đến mức “bức bách” vì ảnh hưởng của dịch bệnh mới chỉ vài tháng, không thể giảm giá như vậy được nên thị trường cũng khó. Vì thế mà việc bán tháo sẽ chưa xuất hiện nhiều”, ông Hiển phân tích.
Bên cạnh đó, trong thời dịch COVID-19, rất nhiều người mua sẽ cùng cảnh ngộ khó khăn về kinh tế giống như người muốn bán. Kể cả người có sẵn tiền cũng chưa thể hình dung hết những khó khăn trước mắt nếu diễn biến dịch thêm phức tạp.
Theo ông Hiển, việc tạo thông tin về bán cắt lỗ, bán giá rẻ vẫn có thể kích thích, tạo tâm lí cho người mua rằng bây giờ đang có nhiều người bán rẻ, nếu không mua thì sẽ không có cơ hội mua rẻ nữa.
Ông Hiển cho rằng bất động sản hiện nay chưa giảm đủ sâu, mới chỉ giảm thôi. Vị chuyên gia này dự đoán, ít nhất trong vòng 3 tháng tới giá thị trường sẽ chưa thể tăng, thậm chí còn giảm thêm nên người mua không nên vội vàng.
“Hiện nay, người ta đang nói tiền mặt là "vua". Nếu nhà đầu tư chỉ có ý định đầu tư bất động sản, thì nên giữ tiền mặt, chờ 3 – 6 tháng sau sẽ có những cơ hội mua tốt. Đối với các nhà đầu tư bất động sản trong năm 2020, càng về cuối năm, cơ hội để họ có thể mua bất động sản với giá hợp lý càng tốt hơn”, ông Hiển nói.
Bà Dương Thuỳ Dung – Giám đốc Cấp cao của CBRE cho biết, theo ghi nhận của CBRE, quý I chưa thấy có tình trạng “bán tháo”. Tại thị trường cơ cấp, nguồn cầu vẫn khá lớn, song giao dịch chững lại - vì chủ đầu tư không thể mở chào bán, vì lý do hạn chế tụ tập đông người. Việc rao bán cũng khó khăn do người dân hạn chế đi lại.
"Người mua nhà và chủ đầu tư trong trạng thái chờ đợi. Hiện tại hầu hết các chủ đầu tư đều giữ nguyên giá bán, hoặc giảm nhưng không đáng kể. Song, nếu người mua có sẵn tiền thì hoàn toàn có thể đầu tư ở thời điểm này, vì đây là cơ hội người mua có thể chọn mua nhà để có giá hợp lý", đại diện CBRE nói.
Theo Cường Ngô - Huyên Nguyễn
Lao động