Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Tính kỹ mức tăng và lộ trình
Dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, hoàn thiện, với điểm nhấn là đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối, hay còn gọi là thuế theo tỷ lệ phần trăm, sẽ giữ nguyên ở mức 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ năm 2026 đến năm 2030.
Nguy cơ thất thu thuế lớn
Phát biểu tại hội thảo "Thuế (TTĐB) đối với sản phẩm thuốc lá " do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài Chính) tổ chức ngày 16.7, tại Hà Nội, bà Lê Thùy Linh, đại diện Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết: Với mức thuế tuyệt đối, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
Từ góc độ đơn vị tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tăng thuế thuốc lá , bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam, cho biết: tại Đức, trong giai đoạn 2002 - 2005,khi thuế tuyệt đối tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác. Lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%, thu ngân sách nhà nước bị trì trệ.
Năm 2011, Vương quốc Anh đã tăng 30% thuế tuyệt đối dẫn đến thuốc lá lậu tăng và chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016, gây thất thu thuế khoảng 2,5 tỉ bảng Anh..
Đặt trường hợp thuế (TTĐB) thuốc lá tăng quá nhanh tại Việt Nam, bà Vân nêu kịch bản: sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, thuốc lá lậu có thể tăng lên 50 tỉ điếu vào năm 2030. Thất thu từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40.000 tỉ đồng vào năm 2030 so với mức 5.000 - 6.000 tỉ đồng hiện tại.
"Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh; giãn tiến độ tăng thuế, tránh tăng sốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và ngành. Đồng thời cần có biện pháp chống buôn lậu hiệu quả", bà Vân bày tỏ quan điểm.
Ủng hộ tăng thuế (TTĐB) nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách, song ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), cho rằng khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá bán của sản phẩm thuốc lá hợp pháp cũng tăng cao, người tiêu dùng sẽ tìm đến thuốc lá lậu để thay thế.
"Khi công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá đang diễn biến phức tạp, chính sách thuế đối với thuốc lá hợp pháp cần được điều chỉnh hợp lý để làm giảm động lực của những người buôn lậu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Dương nói.
Cân nhắc mức thuế suất và lộ trình phù hợp
Theo ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, sửa đổi thuế (TTĐB) với thuốc lá là cần thiết. Tuy nhiên, tăng thuế cao đột ngột chưa phải cách tiếp cận phù hợp.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế TTĐB bằng cách thực hiện áp mức thuế TTĐB tuyệt đối ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030.
Bên cạnh đó, đại diện từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi chính sách thuế TTĐB bằng cách thực hiện áp mức thuế TTĐB tuyệt đối ở mức vừa phải với lộ trình tăng thuế hợp lý đến năm 2030. Cụ thể, các đại diện đề xuất mức thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm, hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao.
Phương án đề xuất này tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phương án này giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29.500 - 30.000 tỉ vào năm 2030, tăng trưởng 7 - 9%/năm. Bên cạnh đó, đến năm 2030 sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỉ bao, và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước về mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa về nguồn cung hợp pháp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và ngăn chặn người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thuốc lá nhập lậu.
Đồng quan điểm đã đến lúc cần sửa đổi luật Thuế TTĐB song bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý và kinh tế Trung ương), cho rằng phải cân nhắc bối cảnh hiện nay thế nào, mức thuế suất, lộ trình tăng thuế ra sao.
"Nếu tháng 5.2025 ban hành, luật sửa đổi sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2026. Chưa có giai đoạn nào doanh nghiệp khó khăn như giai đoạn 2023 - 2024, nếu áp dụng từ năm 2026 là áp lực rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp", bà nói.
Với dự án luật này, ngoài thuốc lá cũng có nhiều ngành hàng khác phản ánh cảm thấy sốc, lộ trình gấp gáp, doanh nghiệp không kịp phản ứng. Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, chiến lược kinh doanh dài hạn. Xây dựng pháp luật nên chăng cần cân nhắc để đảm bảo ổn định đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp", bà Thảo nhấn mạnh.
Tương tự, theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách (Văn phòng Quốc hội), sửa đổi luật Thuế (TTĐB) nói chung, trong đó đề cập tới mức thuế với mặt hàng thuốc lá là cần thiết, tuy nhiên phải làm rõ xem đã cấp bách hay chưa.
Cho rằng cần cân đối nhiều yếu tố, phải đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về nguồn thu ngân sách, các khía cạnh kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp..., ông Tân mong ban soạn thảo cùng cơ quan liên quan nghiên cứu sâu sắc hơn để chứng minh được sự cấp thiết và đảm bảo hài hòa lợi ích.
Chính quyền địa phương lo lắng về gánh nặng kinh tế và an sinh xã hội
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết việc tăng thuế (TTĐB) sẽ dẫn đến việc giảm sản lượng thuốc lá đột ngột đồng nghĩa đầu ra của cây thuốc lá cũng giảm sút mạnh và bất ngờ. Điều này gây bất lợi rất lớn cho các địa phương có vùng trồng nguyên liệu thuốc lá như huyện Chi Lăng do sẽ tạo ra gánh nặng lớn về mặt kinh tế và an sinh xã hội cho các vùng nguyên liệu thuốc lá . Huyện cũng đã làm việc với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó. Hiện nay tại tỉnh Lạng Sơn, thuốc lá là chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp duy nhất vận hành hiệu quả từ khâu đầu tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu