Tìm "lối thoát" cho dự án có đất công xen kẹt
Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) đã trình Chính phủ dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai”.
Theo Bộ TN-MT, trong thời gian qua, tại TPHCM và Hà Nội và một số thành phố lớn đang xảy ra tình trạng nhà đầu tư nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án. Thế nhưng, nhiều dự án lại có một số diện tích nhỏ đất xen kẹt do Nhà nước quản lý. Cụ thể, là kênh rạch, mương máng, đường giao thông hoặc một công trình công cộng khác.
Để sử dụng được những phần đất này, về mặt pháp luật phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất. Từ đó, dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị ảnh hưởng không nhỏ, kéo dài nhà đầu tư không thể giải quyết hồ sơ.
Trước tình hình này, Bộ TN-MT đã đề xuất UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư. Đối với những trường hợp phần diện tích không đủ điều kiện, Bộ TN-MT kiến nghị Nhà nước thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đấu giá.
Với các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư đang gặp vướng mắc về đất đai, Bộ TN-MT cũng đề xuất giải quyết.
Theo đó, thời gian qua, nhiều địa phương gặp vướng mắc trong chính sách thu hút đầu tư do vướng mắc liên quan đến việc áp dụng chính sách cho thuê đất với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đãi đầu tư và dự án đầu tư vào địa bàn ưu đãi đầu tư, dẫn đến khó khăn cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện, thu hút đầu tư. Nguyên nhân của tình trạng này là sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn thực hiện giữa Bộ TN-MT và Bộ Tài chính.
Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa nội dung này vào Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 để chỉ đạo thống nhất việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp được miễn tiền thuê đất.
Bộ cũng kiến nghị giao trách nhiệm cho các Bộ nghiên cứu, đề xuất nội dung để cập nhật ngay vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã từng có nhiều văn bản gửi đến Chính phủ, Bộ TN-MT, UBND TPHCM nêu ra thực trạng ảnh hưởng của đất xen kẹt đối với các dự án bất động sản.
Theo đó, vệc dự án có quỹ đất công xen kẹt rải rác, bất định hình trong dự án thuộc diện Nhà nước quản lý, chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, đang là niềm trăn trở chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Một số trường hợp chủ đầu tư xây dựng khi chưa xử lý xong thủ tục cấp phép các khu đất trên, dự án đã bị lập biên bản cũng như xử phạt, yêu cầu ngừng thi công. Việc yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công xây dựng công trình chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho chủ đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, ông Châu kiến nghị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư không thông qua đấu giá, đồng thời chủ đầu tư phải hoán đổi, trả lại bằng đất ở đã có hạ tầng tại dự án cho Nhà nước theo tỷ lệ 10 - 15% (hoặc tỷ lệ khác do thành phố quy định).
Hoặc xác định "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường theo quy định của pháp luật đất đai, đối với phần diện tích đất công này và chủ đầu tư nộp ngân sách nhà nước để được giao đất, cho thuê đất.
Quế Sơn