Tín dụng ngân hàng, 'bơm' thế nào cho đạt chỉ tiêu?
Tín dụng tăng chậm lại
Trong cuộc họp mới đây với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới, tiếp tục giảm lãi suất cho vay . Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; thu hồi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ tổ chức tín dụng không sử dụng hết và bổ sung cho các tổ chức có khả năng tăng trưởng.
Dữ liệu từ NHNN, tín dụng của hệ thống NH tính đến cuối tháng 7 tăng 5,66% so với cuối năm 2023 và tăng 14,99% so với cùng kỳ năm ngoái. Các NH cho vay ra nền kinh tế gần 14,33 triệu tỉ đồng. Như vậy, so với mức tăng tín dụng cuối quý 2 ở mức 6%, tín dụng tháng 7 đã đi lùi. Nhìn vào bảng tăng trưởng tín dụng của các NH cũng cho thấy sự phân loại khá rõ. Một số nhà băng tăng cao hơn mức tăng chung của hệ thống, nhưng cũng có đơn vị tăng thấp, thậm chí âm.
Đơn cử, NH có tăng trưởng tín dụng âm trong 6 tháng đầu năm 2024 là ABBANK. Trong khi dư nợ cho vay của NH này cuối năm 2023 ở mức 98.107 tỉ đồng, nhưng đến cuối tháng 6.2024 chỉ còn 91.038 tỉ đồng, giảm 7,2% so với cuối năm 2023. Một số NH có mức cho vay tăng chậm như Saigonbank tăng 1,8%, Bac A Bank tăng 2,3%, SeABank tăng 3,5%, PGBank tăng 3,9%... Trong khi đó, những nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng cao như LPBank là 15,2%, Techcombank là 14,2%, ACB 12,8%, HDBank 12,5%, MSB 11,6%, NamABank 10,7%, VPBank 10,2%...
Riêng các NH thương mại có vốn nhà nước có tốc độ tăng trưởng thấp, chẳng hạn Vietcombank tăng 7,8%, VietinBank tăng 6,7%, BIDV tăng 5,9%, Agribank tăng 2,6%. Thế nhưng nếu tính trên số dư tuyệt đối thì các "ông lớn" này vẫn ở mức cao, từ 1,369 - 1,882 triệu tỉ đồng mỗi NH, gấp nhiều lần con số dư nợ mà các NH khác cho vay. Chính vì vậy chỉ cần nhóm 4 NH có vốn nhà nước này tăng nhẹ tín dụng thì con số dư nợ ra nền kinh tế cũng đã đi lên.
NHNN cho biết trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và cân đối tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, NHNN sẽ rà soát, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống. Thực hiện điều hòa, điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữa các NH để tạo điều kiện cho các đơn vị có khả năng tăng trưởng tín dụng tích cực, lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống theo định hướng đã đề ra để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cho vay dự báo tăng
Với việc phân bổ lại hạn mức tăng trưởng tín dụng giữa các nhà băng, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ thay đổi như thế nào? PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết đối với những NH bị thu hồi bớt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng , khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên, biên lợi nhuận (NIM) tăng để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm đã đề ra trước đó. Đó là chưa kể lãi suất cho vay tăng còn đến từ trích lập dự phòng rủi ro tăng khi nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, nhìn vào những NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh thì cũng rất hiếm NH đạt mức tăng 15% như chỉ tiêu đã giao từ đầu năm. Để thúc đẩy cho vay, mặt bằng lãi suất cho vay của các NH này cũng đã giảm so với đầu năm, đối với những khoản vay ngắn hạn có mức lãi từ 5 - 6%/năm.
Vì thế, nếu thời gian tới, các NH này nhận thêm hạn mức tín dụng thì lãi suất vay cũng phải ở mức thấp, không những vậy mà việc xét duyệt cho vay, cũng như tình trạng tỷ lệ nợ xấu không gia tăng. "Việc điều tiết tín dụng giữa các NH là điều cần thiết trong thời gian tới khi nhu cầu vốn cuối năm gia tăng. Một động thái mới đây từ NHNN là giảm lãi suất trên thị trường mở 0,25%, xuống còn 4,25%/năm. Điều này đảm bảo cho các NH tiếp cận được vốn rẻ từ NHNN, từ đó có thể giảm được lãi vay, đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ", ông Huân nói.
Với quan điểm ngược lại, TS Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính) cho rằng việc giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới không đơn giản. Tính đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay giảm gần 1% so với cuối năm 2023, lãi suất cho vay bình quân của các NH ở mức 8,3%/năm. Tăng trưởng tín dụng tháng 7 lại thấp hơn tháng 6 nên khả năng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% khó đạt được.
"Đã 7 tháng đầu năm mà tốc độ cho vay ra chỉ tăng 5,66% nên dư địa còn lại của 5 tháng cuối năm còn rất nhiều. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới không mấy thuận lợi sẽ tác động đến tình hình trong nước. Chính sách tiền tệ của các nước hiện đang có thay đổi, một số nước châu Âu giảm lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ còn cao và sắp tới chính sách lãi suất của họ liệu có giảm để hỗ trợ nền kinh tế…", ông Hiếu dẫn chứng và cho rằng việc điều chỉnh room tín dụng từ NH này sang NH khác cũng là một trong những biện pháp thúc đẩy tăng tín dụng nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Từ trước đến nay, NH luôn mong muốn tăng tín dụng nhanh vì đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận. Nhưng những tháng qua, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế không như mong đợi nên mới có bức tranh tín dụng không mấy sáng.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, những NH nhận thêm hạn mức tín dụng sẽ phải tính toán kỹ về nguồn vốn tăng trưởng cho vay. Từ cuối tháng 4 trở lại đây, có gần 30 NH tăng lãi suất huy động. Để có được nguồn vốn cho vay, các nhà băng sẽ phải tăng huy động vốn. Liệu rằng mặt bằng lãi vay lúc này có giữ được mức thấp? Riêng đối với những NH bị rút bớt hạn mức tín dụng , lãi cho vay của họ cũng sẽ ảnh hưởng theo hướng gia tăng là điều khó tránh khỏi.
"Lãi suất cho vay vừa qua đã xuống đến mức đáy, khó có thể điều chỉnh giảm trong thời gian tới. Lãi suất huy động có thể tăng từ 1 - 1,5%/năm vào cuối năm, còn lãi vay tăng khoảng 1%/năm. Các NH cần phải kiểm soát tốt nguồn vốn huy động cũng như chi phí đầu vào, bởi nếu không, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay là rất thách thức".
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính