Toàn văn bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Lắng nghe nông dân của Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn
Hôm nay, ngày 24/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói".
Báo điện tử Dân Việt xin đăng toàn văn bài phát biểu khai mạc của đồng chí Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói.
Kính thư đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường!
Kính thưa các đồng chí đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương!
Thưa các quý vị đại biểu, khách quý tham dự Diễn đàn!
Thưa các đại biểu nông dân, các hợp tác xã!
Thực hiện Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Chương trình phối hợp số 48/2017/CTPH -BTNMT-HND ngày 22/12/2017 giữa Hội Nông dân Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường; hôm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói".
Lời đầu tiên, thay mặt Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu khách quý, các đại biểu nông dân, Hợp tác xã tiêu biểu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tới tham dự Diễn đàn. Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Diễn đàn của chúng ta thành công tốt đẹp.
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống của nông dân và cư dân nông thôn được nâng cao về mọi mặt, diện mạo nông thôn có sự thay đổi sâu sắc theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, với đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; cả về mặt khách quan và chủ quan như: tính phức tạp trong quản lý, sử dụng đất đai; về tích tụ, tập trung đất đai; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất xanh của người nông dân còn nhiều khó khăn, thách thức; về bảo vệ môi trường nông thôn nhất là trong sản suất nông nghiệp, về rác thải sinh hoạt, làng nghề khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ...
Với chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn", Diễn đàn lần này là dịp để chúng tôi được lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua; việc quản lý, điều hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, về các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero. Diễn đàn cũng là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Tổng hợp ý kiến của hội viên, nông dân cả nước thông qua tổ chức Hội Nông dân các cấp và qua nhiều nguồn thông tin khác nhau; trong đó có kênh từ Chuyên mục Lắng nghe nông dân trên Báo điện tử Dân Việt, Ban Tổ chức đã tổng hợp một số vấn đề mà chúng ta cần lắng nghe, trao đổi tại Diễn đàn hôm nay, cụ thể:
Một là, các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai; Cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Hai là, các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.
Ba là, các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; Cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.
Trên tinh thần " lắng nghe và trao đổi", tại Diễn đàn hôm nay, chúng tôi đề nghị và rất mong muốn bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ trên tinh thần cởi mở, thân tình nhưng cũng thẳng thắn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Lắng nghe nông dân nói. Trân trọng cảm ơn đồng chí Bộ trưởng Đỗ Duy Đức đã đồng chủ trì Diễn đàn; cảm ơn các quý vị đại biểu, khách quý, đặc biệt cảm ơn các nông dân, Hợp tác xã tiêu biểu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có mặt tại Diễn đàn ngày hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn.