TP.HCM sẽ thu về khoảng 120.000 tỉ đồng từ bán quỹ đất metro và Vành đai 3

Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiệu quả thấp. Đơn cử, hàng ngàn ha đất nông nghiệp và các khu đất do cơ quan, tổ chức của nhà nước quản lý dọc theo quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, Vành đai 3 và các trục đường giao thông chưa khai thác hiệu quả, làm lãng phí nguồn lực đất đai. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM là cấp thiết, cần rất nhiều tiền nhưng ngân sách thành phố chưa thể đáp ứng kịp.

Mặt khác, từ khi áp dụng luật Đất đai 2003 đến nay, các chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại đều phải thương lượng người dân và bồi thường 100%. Trong khi việc cưỡng chế thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư phát triển dự án. Quỹ nhà, đất tái định cư nhà ở xã hội cũng thiếu để đáp ứng được nhu cầu.

Chính vì vậy, cần phải có giải pháp tạo quỹ đất để bán đấu giá cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản, tạo quỹ đất phục vụ công tác tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội. Để có được quỹ đất này Sở Tài nguyên và Môi trường chọn mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (mô hình TOD).

Theo đề án, khi thực hiện các dự án hạ tầng như metro , đường Vành đai 3, nhà nước sẽ mở rộng biên bồi thường ở các nhà ga, ở các nút giao thông … để xây dựng hạ tầng. Quỹ đất dôi dư sẽ đem bán đấu giá, làm nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Trong trường hợp này, ngân sách chi 8.640 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng nếu sau đó bán đấu giá dự kiến ngân sách nhà nước thu về 116.132 tỉ đồng.

TP.HCM sẽ thu về khoảng 120.000 tỉ đồng từ bán quỹ đất metro và Vành đai 3 - Ảnh 1

Nếu làm tốt, TP sẽ thu về nguồn tiền "khổng lồ" từ đấu giá đất

Nhật Thịnh

Trong đó bán đấu giá quỹ đất dọc các tuyến đường metro số 1 và 2 dự kiến thu 25.284 tỉ đồng, bán đấu giá các khu đất dọc Vành đai 3 dự kiến thu 90.848 tỉ đồng. Một số khu đất cụ thể sẽ đem đấu giá như: khu đất 152 ha của Nông trường dừa, dự kiến thu được 42.728 tỉ đồng; khu đất 29 ha của Công ty Nhatico, dự kiến thu về 8.120 tỉ đồng; khu đất 200 ha của Công ty Cây trồng TP.HCM, dự kiến thu 40.000 tỉ đồng…

Để tạo thêm quỹ đất, đề án còn đưa ra phương án tạo quỹ đất theo phương thức bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, với tổng giá trị hơn 100.000 tỉ đồng. Nhưng thực hiện theo phương thức bồi thường đất nông nghiệp bằng đất khác. Dự kiến 50% trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận tiền, thì kinh phí chi trả khoảng 50.633 tỉ đồng.

Trong trường hợp này, TP.HCM sẽ có thêm quỹ đất với tổng diện tích 105 ha, giá trị ít nhất là 52.897 tỉ đồng. Quỹ đất này để phục vụ tái định cư, xây dựng nhà xã hội… Sau khi hoàn thành các dự án tạo quỹ đất, TP.HCM sẽ có tổng diện tích đất khai thác (mật độ xây dựng 40% diện tích 90,3 ha), với giá trị ít nhất 453.681 tỉ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định: Nếu khai thác tốt quỹ đất dọc các tuyến metro số 1, 2 cùng với đường Vành đai 3, TP.HCM sẽ có được nguồn thu khá lớn cho ngân sách, đáp ứng đầu tư cho các dự án trọng điểm. Đồng thời thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ; tạo quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, hình thành các khu đô thị văn minh hiện đại.