TP.HCM tăng tốc tìm lời giải cho bài toán phát triển nhà ở xã hội
Dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM rất khiêm tốn
Thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn đang rất "nhỏ giọt". Rất nhiều người lao động, công nhân… mong được mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội nhưng không có dự án.
Liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM, theo đề án của Chính phủ về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030" (Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ), TP.HCM được giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 là 69.700 căn (trong đó giai đoạn 2021-2025 là 26.200 căn, giai đoạn 2026-2030 là 43.500 căn).
Tuy nhiên, kết quả thực hiện dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM hiện nay vẫn khá khiêm tốn. Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM, tiến độ phát triển nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết một số kết quả thực công tác phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án, với quy mô 14.954 căn hộ. Từ năm 2021 đến tháng 12/2024 xây dựng hoàn thành 6 dự án với quy mô 2.745 căn hộ, đang thi công 4 dự án với quy mô 2.874 căn hộ. Hiện tại, thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục pháp lý đối với 21 dự án với quy mô khoảng 40.000 căn hộ.
Nhằm đạt được chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, TP.HCM đã đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2025 như sau: 3 dự án dự kiến hoàn thành với quy mô 2.316 căn hộ; 8 dự án dự kiến khởi công với quy mô khoảng 8.000 căn hộ; 5 dự án dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 20.000 căn hộ.
Về các dự án cụ thể, trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý đối với các dự án nhà ở xã hội đảm bảo theo chỉ tiêu mà Chính phủ giao và chỉ tiêu được nêu tại chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Trong đó, ưu tiên các dự án có quy lớn trên 1.000 căn để sớm triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (dự kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 5 dự án với quy mô khoảng 20.000 căn hộ). Thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại 8 khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với tổng quy mô khoảng 10.000 căn hộ; thúc đẩy đầu tư công 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 4.500 căn hộ), khởi công 8 dự án với quy mô 8.000 căn hộ.
Sở Xây dựng cho biết để triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương, thành phố đã chủ động thực hiện nhiều nội dung để tập trung phát triển nhà ở xã hội, chủ động phối hợp với cơ quan Trung ương để cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc vượt thẩm quyền về chủ trương trong tổ chức thực hiện. Phân nhóm các dự án theo các tiêu chí như đã có quỹ đất sạch, dự án có quy mô lớn (trên 1.000 căn), dự án nhà ở cho thuê, dự án đầu tư công, dự án thuộc quỹ đất ở 20% trong các dự án nhà ở thương mại... để tập trung, ưu tiên chỉ đạo thực hiện chuyên đề.
Giải pháp về nguồn vốn đóng vai trò then chốt để phát triển nhà ở xã hội
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, tại bài tham luận cho Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì dự kiến tổ chức vào tháng 3 tới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết kết quả phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn khá khiêm tốn.
Theo đó, đến hết năm 2024, TP.HCM mới thực hiện khoảng 6.000 căn hộ, chỉ đạt 8,6% kế hoạch và trong cả nước mới hoàn thành 57.652 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 5,7% kế hoạch trong giai đoạn 2021-2030.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho công nhân, lao động, cán bộ, công chức…, giải pháp then chốt là phải sử dụng vốn thật hiệu quả, trước hết là nguồn vốn ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Cụ thể, Hiệp hội đã đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn vốn. Đơn vị này đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét "bãi bỏ khoản 3 Điều 77 Nghị định 100/2024/NĐ-CP" để Ngân hàng Chính sách xã hội được cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam công bố điều kiện vay vốn, mức vốn vay, thời hạn vay, lãi suất vay, bảo đảm tiền vay và các nội dung khác có liên quan đối với khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.