Trái phiếu bất động sản phát hành tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, ngày 28/10.
Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn, tiềm ẩn rủi ro
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn giám sát, cho biết giai đoạn 2015 - 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng, chiếm tỉ trọng từ 18 - 21% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp bất động sản là tổ chức phát hành lớn trên thị trường trái phiếu (chỉ sau ngân hàng thương mại) với mức lãi suất phát hành cao, có những thời điểm gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng để thu hút các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015 - 2023 có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm.
Trong đó, năm 2020 bình quân lãi suất phát hành của doanh nghiệp bất động sản là 10,67%, cao nhất lên tới 15%, trong khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng ở các ngân hàng thương mại dao động khoảng 5,6 - 7%.
"Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành trái phiếu nhiều đợt, số lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro và các hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thị trường còn thiếu tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp; công tác giám sát chưa hiệu quả.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo, kiến nghị, tụ tập đông người.
Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp không bảo đảm khả năng thanh toán, phải thực hiện đảo nợ", báo cáo nêu rõ.
Chuyển vốn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp “lòng vòng”
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thông qua các công ty có liên quan (hầu hết là doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty không phải là công ty đại chúng) đóng vai trò như các công ty được thành lập để phục vụ cho mục đích huy động vốn hoặc cơ cấu lại nợ của công ty mẹ huy động vốn với giá trị lớn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Một số doanh nghiệp phát hành (cho bên mua là tổ chức tín dụng) để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.
Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp “lòng vòng” qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư.