UBND TPHCM trình 'siêu đề án' metro, đến năm 2045 hoàn thành hơn 350km đường sắt đô thị

Chiều 10/12, tiếp tục Kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đã trình bày tờ trình về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Theo nội dung tờ trình, Kết luận số 49 ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TPHCM vào năm 2035 theo quy hoạch được duyệt.

Theo đó, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM có tổng chiều dài 173km; theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (chưa được duyệt), mạng lưới đường sắt đô thị TPHCM là vào khoảng 510km.

UBND TPHCM trình 'siêu đề án' metro, đến năm 2045 hoàn thành hơn 350km đường sắt đô thị - Ảnh 1

Giám đốc Sở GTVT TPHCM trình bày tờ trình. Ảnh: Ngô Tùng

Vì vậy, căn cứ khả năng cân đối nguồn lực, tổ chức thực hiện, thành phố đề xuất mục tiêu đến năm 2035 đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo các quy hoạch hiện có theo đúng Kết luận số 49.

Dự kiến, đến năm 2035, TPHCM cần xây dựng hoàn thành khoảng 183km đường sắt đô thị. Đến năm 2045, xây dựng hoàn thành thêm 168 km nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 352km. Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành thêm 159 km, hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 510km.

Chi tiết cụ thể như sau:

Đến năm 2035: TPHCM hoàn thành đầu tư khoảng 183km (74km đi cao và 109km đi ngầm) đường sắt đô thị loại hình metro , số lượng nhà ga là 148 ga (54 ga cao và 94 ga ngầm thuộc 6 tuyến/ đoạn tuyến Metro từ tuyến số 1 đến tuyến số 6). Sơ bộ tổng mức đầu tư: 942.980,215 tỷ đồng (37,20 tỷ USD).

Đến năm 2045: TPHCM xây dựng hoàn thành thêm 168,36km (120,71km đi cao và 47,65km đi ngầm nhằm hoàn thiện 7 tuyến từ tuyến 1 đến tuyến 7) nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08km. Sơ bộ tổng mức đầu tư: 512.109,44 tỷ đồng (21,36 tỷ USD).

Đến năm 2060: TPHCM tiếp tục xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị số 8, số 9, số 10 nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510km; Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 576.922,57 tỷ đồng (24,06 tỷ USD).

UBND TPHCM trình 'siêu đề án' metro, đến năm 2045 hoàn thành hơn 350km đường sắt đô thị - Ảnh 2

Công nhân, kỹ sư tham gia bảo dưỡng đoàn tàu của tuyến metro số 1 TPHCM. Ảnh: Duy Anh

Về nhu cầu vốn, giai đoạn 2026 đến 2030: Tổng nhu cầu vốn khoảng 18,826 tỷ USD, TPHCM đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 4,74 tỷ USD.

Giai đoạn 2031 đến 2035: Tổng nhu cầu vốn khoảng 17,51 tỷ USD, TPHCM đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 3,02 tỷ USD.

Giai đoạn 2036 đến 2045: Nhu cầu vốn khoảng 26,17 tỷ USD

Giai đoạn 2046 đến 2060: Nhu cầu vốn khoảng 24,06 tỷ USD, TPHCM không đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Liên quan đến hình thức đầu tư và nguồn vốn, UBND TPHCM dự kiến thực hiện hệ thống đường sắt đô thị bằng đầu tư công là chủ đạo. Trong quá trình triển khai Đề án, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị có tiềm năng thương mại.

Để huy động vốn làm metro , UBND TPHCM dự kiến huy động ngân sách địa phương (đầu tư công, nguồn vượt thu, khai thác từ quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương,...), vốn vay khác, huy động từ hợp đồng BT trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trong giai đoạn đầu tư, xây dựng , Ban Quản lý đường sắt đô thị trực thuộc UBND TPHCM là chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị.

Giai đoạn vận hành, khai thác sẽ do Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP tiếp nhận quản lý vận hành, khai thác.

Ngoài ra, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập doanh nghiệp sử dụng 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TPHCM đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt đô thị trong Đề án. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để doanh nghiệp này được phép huy động vốn, được Nhà nước giao tổ chức thực hiện hoặc tự thực hiện các công tác thiết kế, quản lý dự án, đầu tư xây dựng ; vận hành, khai thác; kinh doanh bất động sản khu vực vùng phụ cận nhà ga và depot theo mô hình TOD; kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Dự kiến thông số kỹ thuật chủ yếu của hệ thống đường sắt đô thị của hai TP. Hà Nội và TPHCM sẽ như nhau: Khổ đường 1435mm, đường đôi, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 80-160km/h; vận hành đoàn tàu tự động; thông tin, điều khiển đoàn tàu bằng tín hiệu thông tin vô tuyến,…