Ước mơ của người trẻ khi lập nghiệp và an cư tại TP.HCM
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. HCM, hiện nay quy mô dân số TP. HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23%. Vì lẽ đó, nhu cầu nhà ở tại đô thị lớn này vì thế cũng ngày càng gia tăng.
Giấc mơ an cư…
Theo khảo sát năm 2018, TP.HCM là đô thị phát triển nhất tại Việt Nam, đồng thời cũng là nơi có mức giá cao nhất cả nước. Với mức lương trung bình 10 – 15 triệu đồng/tháng của nhiều bạn trẻ hiện nay, chi tiêu phải hợp lý thì mới trang trải đủ cho các khoản thuê phòng trọ, đi lại, ăn uống, khám bệnh, tiệc tùng,... Còn đâu nghĩ đến chuyện mua nhà khi giá nhà đất tại TP.HCM đang tăng liên tục trong giai đoạn hiện nay.
Bạn Thanh Huy (28 tuổi, quận 7) chia sẻ: “Mình dự định kết hôn, nhưng nhà không có nên cứ chần chừ. Mua nhà chung cư thì phải vay ngân hàng, lãi suất đâu có thấp. Đi làm lãnh lương tháng như mình, muốn mua nhà Sài Gòn đúng chỉ nằm mơ thôi.”
Mua nhà Sài Gòn liệu có khả thi ?
Với những người trẻ đã kết hôn, nhu cầu có một mái nhà riêng lại càng lớn hơn. Áp lực nhất định phải mua được nhà luôn đè nặng, nhiều cặp đôi tìm mọi cách xoay sở để có tiền mua nhà, bất chấp giá trị căn nhà lớn hơn nhiều so với thu nhập thực tế.
Như tình trạng vợ chồng chị Ngọc Hà (32 tuổi, quận 2), ngay sau khi kết hôn, hai anh chị gom hết tiền mừng, vay mượn thêm của bố mẹ hai bên để mua trả góp một căn hộ chung cư. Dự án chưa hoàn thành nên vợ chồng chị vẫn vừa ở nhà thuê vừa trả góp ngân hàng. Chị Hà tâm sự: “Hai vợ chồng phải tiết kiệm đủ đường để vừa phải trả tiền đi thuê nhà trọ vừa phải trả góp cho khoản vay ngân hàng mỗi tháng. Nhiều lúc thấy mệt mỏi lắm nhưng phải cố gắng vì con cái sau này.”
Trường hợp anh Hảo (35 tuổi, Tân Phú) thì bi đát hơn, do tính toán không kỹ lưỡng, sau hơn nửa năm chật vật trả góp, thiếu trước hụt sau, vợ chồng anh đành bán lại nhà để cuộc sống dễ thở hơn. Quay lại cảnh ở thuê, vợ chồng anh lại tiếp tục kế hoạch tích cóp để mua nhà khi thích hợp.
Khao khát về một tổ ấm đích thực
Không chỉ là gánh nặng cơm áo gạo tiền, đại bộ phận người trẻ ở Sài Gòn đang ngày ngày đối mặt với guồng quay công việc - ăn uống thực phẩm độc hại - hít thở không khí ô nhiễm – ở thuê dài hạn trong không gian ngột ngạt bốn bề bê tông sắt thép. Nguy cơ bệnh tật, stress, rối loạn tâm lý, chất lượng sống suy giảm là điều khó tránh khỏi.
Vậy nên, họ cần nhiều hơn không gian xanh để sống, nhiều hơn bầu không khí trong lành để thở, nhiều hơn một nơi để nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Ngôi nhà lúc này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà hơn hết là nơi bình yên để trở về, chốn yêu thương để lắng dịu tâm hồn, tái tạo nguồn năng lượng mới, nuôi dưỡng tinh thần khỏe mạnh.
Thế nhưng, đối mặt với áp lực về tài chính, giấc mơ về một tổ ấm đầy đủ tiện ích cho riêng mình, mong mỏi an cư lạc nghiệp tại Sài Gòn của nhiều người trẻ làm sao để trở thành hiện thực? Đâu là đáp án cho bài toán nan giải này?