Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cảnh báo hệ lụy của việc "thổi giá", "tạo sóng" đất đai và rủi ro giá vàng

Đây là nội dung tại Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) đưa ra sáng nay 21/10 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Kinh tế vĩ mô dù ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh, những kết quả của kinh tế xã hội trong 9 tháng qua tương đối ổn định. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, việc đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn,… chưa chuyển biến rõ nét.

Đại diện Uỷ ban Kinh tế phân tích, xuất khẩu gặp một số khó khăn, rào cản kỹ thuật, điều tra chống bán phá giá và vẫn phụ thuộc phần lớn vào các sản phẩm gia công. Trong khi các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao chưa phát triển mạnh mẽ.

Xuất siêu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ông Thanh nhấn mạnh, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.

“Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Ngoài ra, rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Về thị trường bất động sản, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đánh giá, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.

Tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

“Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả”, báo cáo của Uỷ ban Kinh tế chỉ ra.

Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.

Ngoài ra, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Việc chậm trễ này có thể gây ra những hệ lụy cho sản xuất than, an ninh cung cấp năng lượng, an ninh cung cấp điện của nước ta trong thời gian sắp tới”, Uỷ ban Kinh tế cảnh báo.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Để lại hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Rủi ro của thị trường vàng và bất động sản

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp để ổn định hệ thống tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu. Bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật, kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Uỷ ban Kinh tế khẳng định, thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.

“Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, cần có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán.

Kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển du lịch nội địa, tiếp tục giảm chi phí logistics. Ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là điện, xăng, dầu.