Văn phòng cho thuê “bình dân”, ngách đi nhỏ… nhưng dễ sống
Anh Nguyễn Tuấn Minh, đại diện một doanh nghiệp công nghệ cho biết, công ty anh là công ty khởi nghiệp mới chỉ thành lập được hơn 3 tháng với đội ngũ nhân sự chỉ 5 người. Nguồn vốn hạn hẹp đang khiến mọi chi tiêu đều phải tính toán rất kĩ.
“Chúng tôi đang tìm thuê văn phòng diện tích nhỏ, nằm mặt tiền đường quận 3 hoặc quận 10 nhưng việc tìm văn phòng khá khó khăn, bởi chúng tôi chỉ thuê được với mức giá dưới 10 triệu đồng/tháng”, anh Minh nói.
Không chỉ công ty anh Minh mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác cũng đang tìm kiếm những văn phòng “mini” với giá rẻ để làm nơi “đóng đô” cho công ty mình.
Theo bà Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc quản lý và vận hành một doanh nghiệp chuyên cho thuê văn phòng tại TPHCM, những văn phòng với giá thuê từ 5 – 10 triệu đồng/tháng đang được nhiều doanh nghiệp nhỏ “săn lùng”. Đây là những văn phòng có diện tích từ 15 – 25m2.
Ngoài ra, những văn phòng có diện tích lớn hơn với giá thuê từ 15 – 30 triệu đồng/tháng cũng được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng và tìm kiếm.
“Khách thuê văn phòng nhỏ chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là “siêu nhỏ”. Tài chính hạn hẹp nên họ không thể đến các trung tâm thương mại hay các tòa nhà lớn để thuê. Chính vì vậy, chúng tôi giải quyết bài toán này cho họ. Chúng tôi đi thuê các tòa nhà có vị trí tốt, sau đó chỉnh trang cho phù hợp và cho họ thuê lại”, bà Thoa nói.
Cũng theo bà Thoa, khó khăn khi làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ” chính là sự bất ổn định của các doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp nhỏ thường có độ “biến động” lớn, thậm chí là có thể phá sản bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, các đơn vị cho thuê cũng phải tìm phương án để thích nghi với việc này.
“Một số doanh nghiệp hoạt động từ 3 – 6 tháng là đã phá sản. Chúng tôi vẫn có thể trả lại tiền cọc văn phòng cho họ, miễn họ chứng minh được những khó khăn về tài chính. Thông thường, khi các đơn vị thuê văn phòng có khó khăn về tài chính thì chúng tôi phải nắm bắt được điều này và chuẩn bị phương án để đối mặt với rủi ro cũng như tìm người thuê mới nếu doanh nghiệp không thuê tiếp”, bà Thoa chia sẻ.
Bà Nguyễn Nhất Ly, Phó Chủ tịch HĐQT một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản cho thuê cho biết, tập đoàn này cũng đang thuê lại hơn 50 tòa nhà tại TPHCM để cho thuê lại với diện tích tổng cộng là 55.000m2 sàn. Các tòa nhà cho thuê thường có diện tích sàn từ 500 – 1.000m2.
“Khi chúng tôi đi thuê nhà thì khả năng bị chủ tòa nhà “hất chân” ra ngoài bất cứ lúc nào rất cao. Chính vì thế, việc soạn thảo hợp đồng kinh tế là yếu tố rất quan trọng. Hợp đồng phải nêu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên một cách rõ ràng”, bà Ly nói.
Theo bà Ly, việc nắm bắt thông tin các tòa nhà xây mới hoặc chuẩn bị cho thuê rất quan trọng. Điều này khiến doanh nghiệp của bà chủ động được nguồn cung. Nếu chủ nhà muốn xây mới và cho thuê trong tương lai thì doanh nghiệp của bà sẽ đến tư vấn cách xây để cho thuê hiệu quả.
“Lợi nhuận từ việc cho thuê lại là không cao. Tuy nhiên, những dịch vụ đi kèm như dịch vụ kế toán, dịch vụ dọn dẹp vệ sinh và nhiều dịch vụ khác đang mang lại doanh thu ổn định cho công ty. Những doanh nghiệp trong ngành tài chính, giáo dục đang là những người thuê có tính ổn định cao nhất”, bà Ly chia sẻ.
Ghi nhận của Dân trí, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang đi theo “ngách hẹp” nói trên nhằm đáp ứng nhu cầu không nhỏ của thị trường.
Tại Việt Nam có đến 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng đang tăng chóng mặt.
Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm đạt gần 102.300 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là gần 1,3 triệu tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân đạt 12,6 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 26,6%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 20,5% và số lao động cũng tăng lên 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê nói trên là những con số đầy triển vọng đối với thị trường bất động sản cho thuê trong thời gian tới. Đặc biệt là phân khúc văn phòng cho thuê giá “bình dân”.
Đại Việt