VARS nói gì từ việc nhà đầu tư đổ xô "săn" đất vì sáp nhập tỉnh?
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, sau khoảng vài năm khó khăn vì lãi suất cao và tín dụng bị siết chặt, bất động sản đã dần hồi phục và có dấu hiệu bật tăng khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo đó, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương ứng với việc bơm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã duy trì ổn định ở mức thấp sau chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất cho vay, giảm lãi suất huy động.
Việc bơm tiền vào nền kinh tế không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn mà còn góp phần kích thích các kênh đầu tư, trong đó có bất động sản. Đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang được hưởng lợi từ hàng loạt các thông tin tích cực.
Sáp nhập tỉnh là "liều kích thích" nhà đầu tư bất động sản?
Thời gian gần đây, lợi dụng quy luật tăng giá của đất đai với vai trò là một yếu tố sản xuất cơ bản, cùng với việc điều chỉnh bảng giá đất mới, nhất là thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng FOMO.
Tuy nhiên, thực tế dòng tiền của các nhà đầu tư chỉ đang hướng tới những khu vực có hạ tầng và quy hoạch phát triển đồng bộ, hiện đại. Trong đó, xu hướng "săn" đất nền tại những khu vực có quy hoạch sáp nhập, phát triển hạ tầng là rõ rệt nhất. Tại một số địa phương có kế hoạch sáp nhập vào các tỉnh, thành phố lớn có mặt bằng giá đất cao hơn hoặc dự kiến là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập, giá đất không ngừng nhảy múa, thậm chí thiết lập "đỉnh" mới của năm 2022.
Theo đó, các khu vực đang được "săn lùng" có mặt bằng giá còn thấp tại các tỉnh, thành vùng ven Hà Nội, như tuyến huyện/xã tại Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương,...
Ở miền Nam, các khu vực có dòng vốn hạ tầng lớn, như Bình Thạnh, Long An, Bình Dương cũng đang ghi nhận làn sóng giao dịch tăng trở lại.
Đồng quan điểm, trong báo cáo mới nhất của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng cho biết, từ những tin đồn sáp nhập địa phương đã tạo ra làn sóng thay đổi lớn. Nhà đầu tư nhanh chóng săn lùng quỹ đất tại các khu vực dự kiến trở thành trung tâm hành chính, khiến giá đất tăng mạnh, có nơi tới 20% dù chưa có thông báo chính thức.
Chính vì vậy, VARS khuyến cáo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng. Đồng thời, yếu tố thanh khoản và tạo dòng tiền từ bất động sản cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Để thị trường phát triển theo hướng minh bạch và bền vững, tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên các cơn "sốt ảo", VARS cho rằng Nhà nước cần giữ vai trò chính, tăng cường công tác quản lý, giám sát. Đặc biệt là đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng các cơ chế, chính sách hướng đến mục tiêu minh bạch hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường bất động sản.
"Thời điểm hiện tại, thị trường bất động mới đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ mới, rất "nhạy cảm" với các yếu tố tác động. Nếu chỉ tập trung tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn mà không quan tâm đến yếu tố dài hạn, thị trường sẽ đối mặt với rủi ro điều chỉnh, gây ảnh hưởng tới tất cả các cá thể hoạt động trong thị trường", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho hay.