Vì sao Cục Cảnh sát kinh tế khởi tố cựu lãnh đạo Vicem?
Như Dân Việt đưa tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham những, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đang điều tra những sai phạm trong quá trình lập hồ sơ, thực hiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem Tower).
Cùng với đó, C03 quyết định khởi tố 4 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ của Vicem về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Các cựu lãnh đạo Vicem vướng vào vòng lao lý gồm: Lê Văn Chung, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Tổng Giám đốc; Dư Ngọc Long, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án; Hoàng Ngọc Hiếu, nguyên Trưởng phòng Thẩm định.
Trong đó, cảnh sát áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Ngọc Anh; bắt tạm giam với 3 bị người còn lại.
Đây không phải lần đầu tiên Vicem vào diện điều tra. Năm 2020, C03 cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Vicem trong việc đầu tư tòa nhà này.
Công trình nghìn tỷ của Vicem bỏ hoang trên đất vàng
Dự án Vicem Tower tọa lạc tại lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Đây là khu "đất vàng" rộng gần 8.500 m2. Diện tích xây dựng tòa nhà là 2.800 m2; quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm.
Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.951 tỷ đồng; năm 2011, được điều chỉnh lên... gần gấp 2 lần: 2.743 tỷ đồng. Việc đầu tư nhằm xây dựng trụ sở làm việc của Vicem, các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.
Vicem Tower được khởi công từ tháng 5/2011 và cất nóc vào tháng 8/2015. Nhưng, từ đó đến nay, công trình phải tạm dừng do Vicem khó khăn về vốn và cần tập trung tái cơ cấu hai doanh nghiệp trực thuộc theo chủ trương của Chính phủ.
Năm 2019, HĐTV Vicem có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất chuyển nhượng toàn bộ dự án trong khi công trình xây thô được tòa nhà 31 tầng và đã dừng thi công (nhiều gói thầu đã thanh, quyết toán nhưng không sử dụng được). Việc đầu tư trên gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước và trách nhiệm được cho là thuộc về HĐTV Vicem giai đoạn 2009 - 2015.
Trước đó, ngày 13/10/2017, Thanh tra Bộ Tài chính có Kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về tài chính Vicem nêu rõ: "Đến ngày 30/6/2017 giá trị nghiệm thu là hơn 1.196 tỷ đồng, giá trị thanh toán hơn 1.224 tỷ đồng. Từ 2015, Vicem có chủ trương chuyển nhượng dự án nhưng đến thời điểm Thanh tra dự án chưa chuyển nhượng."
Như vậy, Vicem đã chi cho dự án số tiền hơn 1.200 tỷ đồng nhưng công trình dừng thi công để tìm kiếm đối tác chuyển nhượng trong khi vẫn phải thanh toán một số tiền lãi rất lớn gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2022, Vicem lại thông báo quá trình chuyển nhượng dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật nên Tổng công ty đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho Vicem tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tòa tháp.
Tới giữa năm 2023, Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tiếp tục hoàn thiện tòa tháp "nghìn tỷ" bỏ hoang sau hơn 9 năm. Ông Hà Quang Hiện, Chánh văn phòng Vicem cho biết, đề xuất này tới từ nhu cầu cấp thiết về trụ sở làm việc của Tổng công ty. Thậm chí, ông Hiện còn cho biết: Ngay sau khi được Thủ tướng chấp thuận sớm thì dự án sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Để tái khởi động dự án, Chánh văn phòng Vicem cho biết Tổng công ty dự kiến điều chỉnh mức đầu tư xây dựng dự án này giảm xuống còn khoảng 2.300 tỷ đồng (trước đó nguồn vốn dự kiến năm 2011 là khoảng 2.743 tỷ đồng).
Tính đến nay là sau hơn 14 năm khởi công, công trình tòa nhà Vicem vẫn chỉ là khối bê tông dầu dãi nắng mưa khiến nhiều người không khỏi xót xa vì sự lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.