Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa "mặn mà" đầu tư nhà ở xã hội?

Doanh nghiệp than còn "ngại" nhất khâu thủ tục làm nhà ở xã hội...

Tại hội nghị về phát triển nhà ở xã hội gần đây do Chính phủ chủ trì, một trong những thách thức lớn đầu tiên được đại diện HUD kể đến chính là thủ tục. Được biết, dự án nhà ở xã hội có ưu đãi riêng của Nhà nước nên phát sinh nhiều thủ tục hành chính nhằm tránh trục lợi chính sách.

Cùng với đó, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án chưa được tháo gỡ kịp thời mà phải chờ sửa luật, nghị định, thông tư dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện.

Ngoài ra, phần lợi nhuận bù đắp từ phần 20% đất thương mại được HUD cho biết thường thấp hơn so với giá trị tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định thì nhà đầu tư sẽ chịu phần tổn thất chi phí này.

Thậm chí, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường cho rằng, đây là tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh" do bất cập, vướng mắc trong khâu thủ tục hành chính và vấn đề các cán bộ sợ sai, sợ trách trách nhiệm và không dám làm.

Điểm chung của các vị lãnh đạo doanh nghiệp lớn này là đều mong muốn có nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp hài hoà, thủ tục tinh gọn hoặc làm thủ tục song song với thực hiện dự án để doanh nghiệp bớt "ngại".

Ngoài vấn đề thủ tục hành chính thì các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tự các dự án này chưa đủ hấp dẫn. Cụ thể, lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án đối với trường hợp bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư hay đối với nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua thì lợi nhuận không được vượt quá 15%.

Ưu đãi chưa thực chất: Các ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế... nhưng thực tế thì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng.

Quỹ đất, tín dụng là "nút thắt" gỡ mãi không hết rối

Như Dân Việt đã điểm, "nút thắt" khó gỡ nhất ở thời điểm hiện tại đến từ quỹ đất và tín dụng. Hiện nay việc bố trí quỹ đất dành cho thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn rất ít, thiếu và đặc biệt chưa đồng đều, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.

Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết việc triển khai trên thực tế không hề dễ dàng do quỹ đất phù hợp ngày càng khan hiếm, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Trong Hội nghị phát triển nhà ở xã hội, đại diện Vingroup đã cho biết, theo Nghị định 100/2024 quy định 03 hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội gồm: Dành 20% diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội; bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thay thế ở vị trí khác; đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất tại thời điểm đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật.

Điều này, vô hình chung đã khôi phục lại quy định của Luật Nhà ở 2014 và vô hiệu hóa điểm mới của Luật Nhà ở 2023 khi luật mới cho phép địa phương tự quyết định, tự chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất NOXH trong hoặc ngoài dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị, Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, nếu không dành quỹ đất nhà ở xã hội thì phải xin cơ quan nhà nước chấp thuận, sẽ khôi phục lại các bất cập của Luật Nhà ở 2014, làm phát sinh thủ tục hành chính.

Đồng thời, quy định chủ đầu tư phải đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất tại thời điểm đã hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ gây vướng mắc vì chủ đầu tư được giao 100% diện tích đất của dự án và được tính tiền, phải nộp tiền ngay sau 90 ngày.

Từ đây, việc thu thêm tiền sử dụng đất tại thời điểm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật sẽ tạo gánh nặng tài chính cho chủ đầu tư và xung đột với pháp luật đất đai.

Còn về tín dụng, đại diện Công ty CP Địa ốc Kim Oanh chia sẻ, thách thức lớn nhất là giải ngân vốn vay. Nhiều dự án của Kim Oanh ghi nhận hoàn thiện sớm nhưng ngân hàng chậm giải ngân, gây lãng phí và khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người mua.

Đại diện Địa ốc Kim Oanh kiến nghị: Đảm bảo chương trình tín dụng cho vay 120.000 tỷ đồng và lãi suất ổn định 10 năm vì không chỉ Kim Oanh mà rất nhiều doanh nghiệp đều mong nhận hỗ trợ vay ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ.