Vietjet tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước tranh chấp thương mại tàu bay
"Các luật sư của hãng nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc, và chúng tôi tin rằng sự thật sẽ được chứng minh trong thời gian tới", đại diện VJ nói. Theo VJ, Hãng không đồng ý việc các ngân hàng đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng, đúng vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm, trong khi Vietjet đang bay giải tỏa hàng trăm ngàn người khỏi tâm dịch, gửi tặng hàng triệu khẩu trang y tế cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ… trong tình trạng khẩu trang đang rất khan hiếm. Đồng thời, nhân viên Vietjet khi đó tham gia hỗ trợ miễn phí xét nghiệm và tiêm vắc xin, cung cấp nhu yêu phẩm, thiết bị y tế cho hàng triệu lượt người.
Theo VietJet, vào thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch với số người chết tại TP.HCM lên tới 16.000 người, lấy cớ từ một khoản tiền thuê-mua chưa tới 7,4 triệu Đô la Mỹ, là một kỳ thanh toán cho 4 tàu bay mà các bên đã đạt được thoả thuận giãn thanh toán, các ngân hàng đã đột ngột chấm dứt không hợp lệ hợp đồng thuê-mua ổn định, dài hạn đang có với hãng hàng không và bán các khoản vay cho FWA. Các ngân hàng có dấu hiệu không ngay tình trong thủ tục bán nợ, thông đồng với bên mua nợ cũng là các cựu quan chức ngân hàng. Các ngân hàng đã bán nợ cho FWA – không đủ tiêu chuẩn định chế tài chính và xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay không qua đấu giá minh bạch, ảnh hưởng quyền lợi của bên đi vay.
Luật sư của hãng đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc từ FWA, cho rằng bất kỳ hành vi sai trái hay bất minh nào đều rõ ràng thuộc về FWA dựa trên các tình tiết của vụ việc. Hành vi này bao gồm các lỗi nối tiếp và thông tin sai lệch cố ý được cung cấp bởi FWA vi phạm luật pháp và quy định địa phương tại Việt Nam liên quan đến việc xuất khẩu máy bay và sau đó cố ý đổ lỗi cho các tổ chức Việt Nam và chính hãng hàng không.
Liên quan đến việc sử dụng máy bay trong năm 2022, hãng hàng không đã thực hiện những chuyến bay để đáp ứng nhu cầu đi lại cấp bách của người dân sau đỉnh điểm đại dịch COVID-19. Rõ ràng việc để 4 máy bay không hoạt động là lãng phí nguồn lực xã hội, trong khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch là cấp thiết. Đây là 4 tàu bay mới nằm trong đội tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, sản xuất riêng theo đặt hàng của hãng hàng không. Hãng đã bảo dưỡng và duy trì tình trạng tốt của máy bay bằng chi phí riêng. Luật sư của hãng bay khẳng định, hãng luôn thiện chí trao đổi thương mại. Hãng có khả năng tài chính, nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay, nhất là phục vụ cho nhu cầu của hành khách trong và sau đại dịch Covid 19, nhưng FWA không hợp tác.
Đội ngũ luật sư của hãng hàng không cũng phản đối mọi cáo buộc phát sinh từ các hành vi của FWA, bao gồm những cáo buộc cản trở quyền sở hữu hay xuất khẩu tàu bay. Hành vi trục lợi trong thời gian thế giới chống chọi với đại dịch của FitzWalter không phù hợp với nguyên tắc thiện chí và tập quán thương mại trong lĩnh vực tài trợ tàu bay.
Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, Vietjet mang tới cơ hội bay cho hàng triệu người dân chưa từng được đi máy bay. Việc tranh chấp thương mại là thông thường trong hoạt động của doanh nghiệp và không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của hãng hàng không. Công ty đạt kết quả kinh doanh rất tích cực sau đại dịch, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng trong các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng hàng không, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Cộng đồng hàng không tin tưởng rằng Vietjet xứng đáng nhận được một phán quyết công bằng và công lý sẽ chiến thắng trong những phiên toà vào năm 2025 tới đây.