"Virus" sốt đất ảo lây sang đấu giá đất Thái Bình với hơn 153 triệu đồng/m2
Mới đây, chiều 27/3, mạng xã hội lan truyền thông tin đấu giá đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ghi nhận giá trúng cao nhất lên tới 23 tỷ đồng cho lô đất có diện tích 150,4 m2, tương đương hơn 153 triệu đồng/m2, gấp 1,8 lần so với giá khởi điểm. Đây là lô đất có giá trúng cao nhất tại khu vực này.
Được biết, lô đất này nằm ở vùng lõi trung tâm thị trấn, có tiềm năng phát triển thương mại. Người đấu giá đất trả giá theo lô chứ không tính theo mét vuông
Lãnh đạo huyện Tiền Hải cũng xác nhận kết quả đấu giá trên là đúng. Trong phiên đấu giá, lô đất có giá trúng cao thứ hai có diện tích 141,4 m2, giá khởi điểm hơn 10,6 tỷ đồng, được đấu thành công với mức giá hơn 18,8 tỷ đồng.
Lô có giá trúng thấp nhất là hơn 3 tỷ đồng, tương đương 34,6 triệu đồng/m2.
Thực tế cho thấy, khảo sát trên trang Batdongsan.com.vn, giá rao bán đất tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đang dao động trong khoảng từ 4 - 25 triệu đồng/m2, con số này ghi nhận tăng 30,6% trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên, giá rao bán này vẫn thấp hơn 59% so với giá rao bán cao nhất hồi tháng 10/2024 (61 triệu đồng/m2), thời đỉnh điểm của những chảo lửa đấu giá đất.
Như vậy, mức giá trúng đấu giá cao nhất gấp tới gần 13 lần so với giá rao bán trung bình, mức trúng đấu giá thấp nhất cũng gấp hơn 2 lần.
Một số nhà đầu tư cho biết, mức giá trúng đấu giá này đang ngang ngửa với giá đất tại nhiều quận, huyện tại TP. Hà Nội.
Cụ thể, theo khảo sát của Dân Việt, giá rao bán đất tại huyện Thanh Trì đang phổ biến ở mức 105 triệu đồng/m2, huyện Đông Anh cũng đang có mức rao bán phổ biến hơn 81 triệu đồng/m2 hay giá rao bán đất dịch vụ tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), sát dự án Vinhomes Wonder City đang rao bán với giá 140 triệu đồng/m2.
Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình có thông báo thời gian qua, xuất hiện một số thông tin phương án sáp nhập các tỉnh, thành phố trên mạng xã hội để thổi giá đất lên mức cao, gây nhiễu loạn thị trường.
Chính vì vậy, Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo để tránh bị lừa đảo, thiệt hại khi đầu tư bất động sản, người dân, nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Thông tin chỉ hoàn toàn chính xác khi được công khai bởi các cơ quan phát ngôn chính thống.
Lợi dụng chính sách sáp nhập mang cả vào đấu giá đất
Như Dân Việt đã phản ánh, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin đồn về việc sáp nhập các tỉnh, trong đó có Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên... Dù chưa có thông tin chính thức nhưng tin đồn này đã tác động mạnh đến tâm lý thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ "đón sóng" trước khi có quyết định chính thức.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh từng nhận định: Việc giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của thị trường không phải vấn đề mới. Khi giá trúng bị đẩy lên "bất thường" tức là đang phản ảnh tâm lý kỳ vọng quá mức vào tiềm năng khu vực nhất là trong bối cảnh môi giới đang dựa vào thông tin sáp nhập tỉnh thành.
Ông cho biết, giá rao bán hay giá trúng đấu giá cao là do xuất phát từ cuộc đua của một nhóm nhỏ nhà đầu tư, chứ không hẳn phản ánh nhu cầu thực của người mua ở.
Vị chuyên gia này khuyến cáo nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng với những khu vực giá tăng theo "sóng tin đồn", không rõ tiến độ quy hoạch hay pháp lý chưa minh bạch. Dòng tiền chỉ nên hướng tới những khu vực có hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, quy hoạch rõ ràng, có dân cư thực và khả năng khai thác sử dụng tốt để đảm bảo tính thanh khoản và giá trị dài hạn.
Trong báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã nhấn mạnh, để thị trường phát triển minh bạch, bền vững, vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý rất quan trọng. Cần đẩy mạnh việc công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án, tránh tạo "mảnh đất màu mỡ" cho tin đồn thổi giá.
Đối với các sàn giao dịch, môi giới bất động sản, tuyệt đối không tiếp tay cho hành vi đẩy giá, lừa dối khách hàng vì lợi ích ngắn hạn. Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm và xử phạt nặng đối với hành vi vi phạm.