Vụ Cocobay "vỡ trận": Triệu phú "đốt" số tiền khổng lồ tại dự án nói gì?
Trước khi là khách hàng lớn nhất ở dự án Cocobay Đà Nẵng, ông Mai Huy Tân được biết đến với vai trò là ông chủ thương hiệu xúc xích Đức Việt. Hiện, ông Tân làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức, đồng thời là khách hàng đầu tư lớn nhất vào dự án Cocobay Đà Nẵng.
Mới đây, sau khi Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô), chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng thông báo chấm dứt trả lợi nhuận cam kết, PV báo Dân trí đã có cuộc trò chuyện với ông Mai Huy Tân.
Vị doanh nhân nhiều tuổi nhấn mạnh: "Cả cuộc đời lao động cho tới lúc 70 tuổi lại bị bội tín khi đầu tư vào Cocobay nên tôi rất buồn, rất sốc!"
Ông Tân cho biết, năm 2016 sau khi bán Công ty xúc xích Đức Việt được khoảng 700 tỷ đồng, nhân viên bán hàng của Công ty Thành Đô (Tập đoàn Emipre) đã đến tận văn phòng Công ty Nhịp cầu Việt - Đức mời ông đầu tư vào Cocobay.
“Sau thương vụ M&A vào quý 3/2016, không chỉ Công ty Thành Đô mà còn một số chủ đầu tư bất động sản lớn khác tìm gặp tôi để mời đầu tư nữa” - ông Tân nói và cho biết thêm vì tin tưởng nên ông quyết định chọn dự án Cocobay.
Theo ông Tân, thời điểm đó ông không có ý định đầu tư vào bất động sản mà muốn đóng góp số vốn có được cho một doanh nghiệp đáng tin cậy để phát triển lĩnh vực du lịch.
Kết quả qua nhiều cuộc thương lượng, tổng giá trị ông đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng dưới danh nghĩa Công ty TNHH Nhịp cầu Việt - Đức đầu tư khoảng gần 600 tỷ đồng, trong đó vay SHB 402 tỷ đồng, gồm: Mua 8 căn biệt thự 5 sao ở khu Naman Retreat, với cam kết lợi nhuận là 10%/năm; mua 24 căn Boutique Hotel và 10 căn condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng (mỗi Boutique Hotel cao 7 tầng, có 20 phòng ngủ, 2 tầng kinh doanh) với cam kết lợi nhuận là 12,5%/năm. 10 căn condotel cam kết lợi nhuận là 12%/năm, tổng cộng là 42 bất động sản.
“Tôi đã dốc hết gần 200 tỷ đồng vốn, lại vay thêm SHB 402,5 tỷ với lãi suất 10,4% năm để đầu tư vào Cocobay và giờ đây đang bị đẩy vào tình thế nợ nần nguy hiểm” - ông Tân phân trần.
Theo lợi nhuận cam kết, trong vòng 10 năm đầu, ông Tân sẽ nhận được khoảng 67,7 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên thực tế số tiền này chỉ được trả đúng hạn trong hai năm 2017 và 2018.
Kể từ đầu năm 2019 tới nay, công ty Thành Đô mới trả cho Việt Đức khoảng 14,5 tỷ đồng vào tháng 10/2019. Thu nhập cam kết còn lại là khoảng hơn 53 tỷ thì Thành Đô chưa trả.
Cũng theo điều khoản trong hợp đồng, Thành Đô cam kết trong vòng 50 ngày làm việc kể từ ngày bàn giao thực tế, chủ sở hữu sẽ nhận được hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với nhà ở (sổ đỏ).
Tuy nhiên, ông Tân cho biết tới giờ này, sau 3 năm thanh toán đủ 100%, ông vẫn chưa hề nhận được một sổ đỏ nào trong số 42 bất động sản của mình tại Cocobay Đà Nẵng.
Trước khó khăn như thông báo của Thành Đô, ông Tân cho biết: "Tôi không muốn dồn ông Thành vào con đường kiện cáo. Ông ấy hoàn toàn có lối thoát trong danh dự mà vẫn giữ được khối tài sản, đừng tham bát bỏ mâm mà bội tín với khách hàng".
Tuy nhiên trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Thành lại khẳng định chính ông Mai Huy Tân mới là người đến tìm ông để xin được đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng thông qua một đại lý bán hàng.
Ông Thành thông tin, đầu năm 2017, ông Tân cùng với một đại lý và cháu của ông Tân là người môi giới có đến văn phòng gặp và nói rằng “Thành ơi anh muốn đầu tư vào đây” - ông Thành cho biết.
"Tôi có nói với ông Tân rằng với danh nghĩa là một người em quen biết từ lâu thì tôi cam kết rằng nếu đầu tư vào Cocobay thì ông sẽ không mất tiền, nếu mất tôi đền. Sau đó, ông Tân có nhờ tôi đưa lên gặp ông Hiển để xin vay vốn ngân hàng và cũng nhờ tôi tác động để được vay với lãi suất tốt nhất đến nỗi ngân hàng gần như không có lãi", ông Thành nói.
Ngoài ra, chia sẻ với Dân trí, ông Mai Huy Tân còn cho rằng Empire Group sử dụng vốn huy động dàn trải, thiếu tập trung dẫn đến khó khăn về dòng tiền cho toàn dự án.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành khẳng định, khi thu tiền của khách hàng, đơn vị này thực sự đã đầu tư xây dựng dự án, nên số tiền được sử dụng đúng mục đích.