Xăng dầu sẽ được giao dịch qua sàn?

Đủ quy mô để lập sàn

Theo Công văn 5124 ngày 18.7 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua. Trên cơ sở đó, có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này. Theo công văn, khi sàn kinh doanh xăng dầu được vận hành sẽ công khai thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch, từ đó giảm thiểu khả năng thao túng giá, tạo cơ chế định giá linh hoạt, nhanh chóng và cải thiện quá trình phân phối, lưu thông xăng dầu.

Nhiều chuyên gia nhận định dù vẫn còn độc quyền nhà nước, nhưng về cơ bản xăng dầu có cả tư nhân tham gia bán lẻ nên vẫn có thể lập sàn. Ngoài ra, trong Nghị định 80 sửa đổi đã cho phép một doanh nghiệp (DN) bán lẻ có thể mua được hàng từ nhiều đầu mối sẽ tạo tiền đề cho việc lập sàn.

Ông Trịnh Quang Khánh, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu VN, phân tích: Hiện tại, nhà nước can thiệp quá sâu vào quá trình quyết định giá xăng dầu trong khi chỉ cần tạo cơ chế cho ngành xăng dầu phát triển trước những biến động của kinh tế thế giới. Hiện giá được định theo giá bình quân của các DN báo cáo lên, trong thực tế, mỗi DN có số liệu báo cáo chi phí cao thấp khác nhau, thế nên tính bình quân thì giá xăng dầu chưa phản ánh hợp lý chi phí kinh doanh của DN. Mà chi phí liên tục biến động, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến gia tăng khó khăn cho DN. Từ góc nhìn đó, ông Trịnh Quang Khánh ủng hộ việc lập sàn giao dịch xăng dầu, cho phép DN mua xăng dầu qua sàn giao dịch của Sở giao dịch hàng hóa VN (MXV) để bảo hiểm giá và bảo đảm nguồn cung. 

Xăng dầu sẽ được giao dịch qua sàn? - Ảnh 1

Với 70% xăng dầu tiêu thụ được sản xuất trong nước, cần có sàn giao dịch xăng dầu của VN

NHẬT THỊNH

"Trước đây, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có cho phép DN mua phái sinh, nhưng các nghị định sửa đổi sau này đã bỏ quy định đó. Nên trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới, chúng tôi kiến nghị đưa quy định cho DN mua xăng dầu qua sàn nhằm chủ động trước biến động của giá dầu thế giới, từ đó bảo đảm nguồn cung ổn định. Hiện một lít xăng dầu bán ra phải "gánh" quá nhiều mục tiêu, từ bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần không ảnh hưởng CPI, bảo vệ môi trường, hỗ trợ DN khác, không ảnh hưởng đến đời sống người dân… Trong khi chỉ cần bảo đảm an ninh năng lượng, hài hòa được lợi ích 3 bên gồm nhà nước - DN - người tiêu dùng là đủ. Thế nên, cần sớm đưa giá xăng dầu trở về nguyên tắc nền kinh tế thị trường mà giao dịch qua sàn là một trong công cụ cần thiết", ông Khánh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, cho rằng thị trường xăng dầu VN đang tồn tại nhiều bất cập. Chúng ta nhập khẩu xăng dầu từ những nguồn như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan nhưng giá cơ sở tại mỗi kỳ điều hành lại tham chiếu từ thị trường Singapore. Dù giá xăng dầu nhập khẩu bình quân từ Singapore cao nhất nhưng như thế là không phản ánh đúng bản chất, giá xăng dầu thế giới và trong nước sẽ luôn có sự chênh lệch nhất định, khó phản ánh đúng giá thị trường thế giới.

"Theo quy định, giá cơ sở xăng dầu bao gồm giá nhập khẩu (giá CIF) cộng với các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh định mức, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lợi nhuận định mức… Trong đó, giá nhập khẩu căn cứ vào giá giao dịch bình quân hằng ngày trên thị trường Singapore. Nhưng chúng ta đều biết trong kinh doanh, nếu là khách hàng lớn thì luôn được bên bán chiết khấu từ 8 - 10% giá Platt Singapore. Nên khi nhập về VN, có bán bằng giá cơ sở, chưa tính lợi nhuận định mức vẫn có lãi. Vậy tại sao cứ phải tham chiếu theo giá Platt Singapore để làm giá cơ sở trong khi lượng xăng dầu trong nước sản xuất được chiếm đến 70% thị trường?", ông Hùng đặt vấn đề và khẳng định với lượng xăng dầu cả nước tiêu thụ 27 triệu tấn mỗi năm, chúng ta hoàn toàn đủ quy mô để lập sàn và lấy giá sàn đó làm cơ sở tính giá, thay vì theo giá Singapore như hiện nay.

Minh bạch giá cả, hạn chế buôn lậu

Từng đề xuất lập sàn giao dịch xăng dầu từ nhiều năm trước, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích đưa xăng dầu lên sàn giao dịch nhằm tạo ra một thị trường lành mạnh, hoạt động đúng theo nguyên lý thị trường, thuận mua vừa bán, không ai ép ai, ở đâu rẻ và thuận tiện thì mua. Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do DN tự tính toán, lời ăn lỗ chịu. Như vậy, sẽ không còn theo kiểu xin cho, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở, không có giá trần, giá sàn và đoạn tuyệt luôn với quỹ bình ổn. Theo ông Phú, cứ để thị trường quyết định, giá cả công khai minh bạch kể cả giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, giao dịch xăng dầu qua sàn giúp nhà nước chống thất thu thuế, kiểm soát được giá cả và điều tiết thị trường. Thành lập sàn giao dịch cũng giúp cơ quan quản lý được chất lượng hàng hóa, quản lý được hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng trôi nổi của xăng dầu. "Việc thành lập các sàn giao dịch cũng là một bước để xây dựng được nền kinh tế thị trường. Hiện VN đã có các sàn giao dịch như cà phê, gạo, chứng khoán... hoạt động rất hiệu quả thì xăng dầu cũng nên lên sàn để hiệu quả và minh bạch", ông Phú nêu ý kiến.

Theo chuyên gia này, việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu hiện nay cũng thuận lợi vì Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới đã đưa quy định về việc để DN tự quyết giá xăng dầu. Như vậy, giá cả do DN tự quyết định dựa theo biến động hằng ngày, thậm chí hằng giờ của giá thế giới. "Lúc đó người tiêu dùng sẽ có lợi nhất, đơn vị nào giá bán tốt nhất, thái độ phục vụ tốt phù hợp thì sẽ được lựa chọn, còn ngược lại sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. DN tự biết phải tính toán lỗ lãi khi kinh doanh từng giọt xăng dầu của mình theo thị trường. Họ tự phải biết làm gì để khách hàng đến với họ. Nhờ thế, họ từng bước trưởng thành hơn, không ỷ lại vào bao cấp. Trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh, thiên tai, địch họa hay thị trường có đột biến quá nóng... thì nhà nước mới cần can thiệp về giá. Còn lại, giao dịch qua sàn sẽ giúp mặt hàng xăng dầu tiến sát đến thị trường đúng nghĩa hơn, nhưng nhà nước vẫn quản lý rất chặt về chất lượng, nguồn cung. 

Đã qua sàn rồi thì DN kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, rút giấy phép luôn. Thực ra chính vì không có sàn giao dịch minh bạch, nên xăng dầu mới nảy sinh các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xăng dầu ngoài biển, biên giới. Nguồn này lọt vào sẽ rất tai hại cho thị trường và người tiêu dùng", ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm và cho rằng để sàn giao dịch xăng dầu hoạt động hiệu quả, tất cả DN kinh doanh xăng dầu đều phải giao dịch ở đó, kể cả 2 nhà máy lọc dầu trong nước.

Tránh được biến động lớn từ thế giới

Đó là hiệu quả của việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu, nhìn từ các nước. Đơn cử cuối năm 2021, thị trường xăng dầu biến động dữ dội, nhờ áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh thông qua sàn giao dịch mà nhiều tập đoàn, DN lớn đã "né" được bão giá dầu thế giới qua nghiệp vụ bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn, hợp đồng quyền chọn ở vùng giá 65 - 70 USD/thùng. Nghĩa là dù giá dầu tăng đến 100 USD hay thậm chí 150 USD/thùng, DN nếu thực hiện bảo hiểm giá kỳ hạn trước đó là 65 - 70 USD/thùng, đã tiết kiệm được 40 - 50% chi phí giá vốn so với việc không thực hiện bảo hiểm giá.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận xét cũng như giao dịch chứng khoán, thị trường xăng dầu cũng được bảo vệ bằng công cụ phái sinh. Đó là cách tốt nhất để bảo hiểm rủi ro trước biến động giá thế giới và cả trong nước. Tại VN, các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn của các mặt hàng dầu thô, xăng pha chế, khí tự nhiên đã được Sở giao dịch hàng hóa VN (MXV) liên thông với sàn NYMEX và ICE của Mỹ kể từ tháng 5.2020. VN có thế mạnh là nông sản như gạo, cà phê, cao su… tham gia giao dịch qua sàn, nhưng chưa có thị trường giao ngay nên về bản chất, hàng hóa VN vẫn phải liên kết với quốc tế qua công cụ phái sinh. 

Với xăng dầu, dù là mặt hàng đặc thù, mang tính an ninh năng lượng quốc gia, song nên cho giao dịch qua sàn từng bước. Thứ nhất là để chính DN xăng dầu học hỏi cách mua bán, kỹ năng của DN thế giới, qua đó nâng tính chuyên nghiệp và quy mô. Thứ 2, thị trường nào cũng có yếu tố đầu cơ, nhưng nếu biết hoạt động của một sàn giao dịch thế nào để có thể phòng ngừa, bảo hiểm được những rủi ro có thể gặp phải là rất cần thiết.

"DN cần ra biển lớn trong mọi hoàn cảnh, dù lớn hay bé. DN xăng dầu các nước đều tham gia qua sàn, tại sao DN Việt lại khó khăn? Quan điểm của tôi là thế giới "chơi" gì, mình cũng nên có. Đừng để DN Việt chỉ quanh quẩn trong môi trường hẹp tại thị trường nội địa, bị động và không lường trước được rủi ro đến với mình ở thì tương lai. Trong thời gian tới, giá xăng dầu thế giới được dự báo sẽ biến động bất ngờ do chịu tác động từ bất ổn địa chính trị gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Việc chủ động bảo hiểm giá xăng dầu thông qua nghiệp vụ phái sinh giúp hạn chế khó khăn, thua lỗ cho DN và bình ổn thị trường trong nước", chuyên gia Võ Trí Thành nêu quan điểm và đề nghị có thể tham khảo ngay sàn giao dịch xăng dầu của Singapore. Ông nói việc tham gia sàn chỉ là động tác mang tính kỹ thuật, không có gì khó khăn và nếu đưa vào quy định thì DN phải tham gia, qua đó giúp thị trường minh bạch hơn.

Giải thích rõ hơn, chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nói bảo hiểm giá - bảo hiểm rủi ro gần như là nghiệp vụ bắt buộc đối với các tập đoàn, DN quốc tế. Trong xăng dầu, có 4 loại hợp đồng gồm hợp đồng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn và chênh lệch giá. Công cụ "hedging" là để bảo hiểm giá, chứ không phải đi mua bảo hiểm. DN sử dụng phòng vệ giá hay bảo hiểm giá là phải ký những hợp đồng này, gọi là giao dịch phái sinh. "Ở đây không phải là chuyện có cần thiết hay không bởi DN muốn tham gia, phải có đội ngũ chuyên gia giỏi về trình độ, nghiệp vụ phân tích, dự báo. 

Thực tế, nhiều DN VN thất bại về dự báo giá vì không có nghiệp vụ mà chủ yếu "đoán mò". Đơn cử, khi giá đang xuống DN dự đoán sau đó giá sẽ tăng nên ký kết hợp đồng mua vào. Nhưng giá vẫn giảm thì lập tức thua lỗ. Muốn sử dụng công vụ bảo hiểm giá, DN phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, trình độ nghiệp vụ cao thì mới có thể triển khai được. Đến nay, tất cả công ty xăng dầu trên thế giới từ sản xuất, tiêu thụ đến tiêu dùng đều sử dụng công cụ này", PGS-TS Ngô Trí Long nói và cho rằng việc thành lập sàn chính là để DN xăng dầu trong nước tự nâng cấp lên và từ đó, giảm thiểu rủi ro biến động từ bên ngoài.

Lập được sàn kinh doanh xăng dầu có mấy cái lợi: minh bạch giá cả, lấy giá hằng ngày trong nước làm giá cơ sở, giá bán ra thị trường không có độ trễ, ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy nguồn cung… Vì thế, nên bỏ giá Platt Singapore trong tính giá cơ sở, thay vào đó, cần sớm lập sàn giao dịch xăng dầu của VN để xác định giá cơ sở trên cơ sở giá trúng đấu giá của các DN đầu mối xăng dầu. DN trong và ngoài nước đều có thể giảm giá mua bán trên sàn, qua đó, góp phần giảm áp lực dự trữ quốc gia.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển

Một số sàn giao dịch xăng dầu trên thế giới

Sàn ICE được thành lập năm 2000 tại Atlanta, Georgia (Mỹ). Vào năm 2001, ICE mua lại Sàn giao dịch dầu khí quốc tế, đặt tại London (Anh), mở rộng phạm vi hoạt động sang thị trường Anh, và hiện là sàn giao dịch năng lượng hàng đầu châu Âu. Thứ 2 là NYMEX - sàn giao dịch hàng hóa lớn hàng đầu thế giới, của Mỹ, nơi có khai thác dầu từ đá phiến lớn nhất thế giới hiện nay. Hiện Sở giao dịch hàng hóa VN (MXV) đã liên thông với sàn NYMEX và nhà đầu tư trong nước đã có thể dễ dàng giao dịch hợp đồng tương lai dầu thô trên sàn này. Thứ 3 là sàn giao dịch năng lượng Thượng Hải (INE), cũng là sàn giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới với khối lượng giao dịch mỗi ngày rất lớn. Hiện MXV chưa liên thông với sàn giao dịch INE.

Xăng dầu sẽ được giao dịch qua sàn? - Ảnh 2