Xóa sổ 114 dự án đầu tư ở Lâm Đồng

Theo đó, huyện Đam Rông ( Lâm Đồng ) là một trong những địa phương có nhiều dự án bị hủy bỏ nhất. Cụ thể, huyện này có 48 dự án , chủ yếu các dự án đường giao thông thôn bản, giao thông nội đồng. Dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất là đường đối ngoại khu vực Tây Sơn với hơn 128 ha.

Tại huyện Đạ Huoai, huyện mới được sáp nhập từ 3 huyện phía Nam, có 37 danh mục dự án bị hủy bỏ . Trong đó, dự án đường từ Tỉnh lộ 721 vào khu Mỏ Vẹt có diện tích đất cần thu hồi 4,6 ha.

Xóa sổ 114 dự án đầu tư ở Lâm Đồng - Ảnh 1

Huyện Đạ Huoai mới có 37 danh mục dự án bị hủy bỏ .

Bên cạnh đó, các dự án có vốn ngoài ngân sách và thu hút đầu tư cũng bị hủy. Cụ thể, thành phố Đà Lạt có 4 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bị hủy bỏ : Dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 1 của Công ty CP Năng lượng gió Xuân Trường với diện tích cần thu hồi hơn 32 ha; Dự án Nhà máy điện gió Xuân Trường 2 của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Cao Nguyên có diện tích thu hồi hơn 31.

Tại huyện Đức Trọng có 2 dự án bị hủy bỏ : Dự án Khu đô thị mới xã Phú Hội và Khu đô thị mới Liên Nghĩa. Thành phố Bảo Lộc có 4 dự án bị hủy bỏ gồm: Dự án Khu dân cư tổ 14 phường Lộc Phát, Dự án Khu đô thị mới phường Lộc Tiến, Dự án Khu trung tâm xã Lộc Thanh và Dự án Khu tái định cư - Trung tâm thương mại - dịch vụ B’Lao Xanh ở phường Lộc Sơn.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc thu hồi 114 danh mục dự án này dựa trên quy định tại khoản 7, Điều 76 Luật Đất đai năm 2024. Quy định này nêu rõ: Diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 2 năm liên tục chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, đánh giá điều chỉnh hoặc hủy bỏ .

Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua việc hủy bỏ danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác. Tuy nhiên, qua rà soát, nhiều dự án được đánh giá chưa thực hiện đúng tiến độ hoặc không còn phù hợp, dẫn đến quyết định hủy bỏ để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quản lý sử dụng đất .