Không chỉ Phó Đức Nam, nhiều đối tượng lừa đảo đều chọn kênh bất động sản là "rửa tiền"
Trong năm 2024, nhiều vụ án lừa đảo gây xôn xao dư luận khi các đối tượng lợi dụng sự nổi tiếng trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, để thực hiện hành vi lừa đảo. Những đối tượng lừa đảo không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cá nhân, doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.
Một trong những hình thức giấu tiền phi pháp được những đối tượng lừa đảo thường chọn đưa vào bất động sản.
Giống với Phó Đức Nam, phần lớn kẻ lừa đảo đều giấu tiền vào kênh bất động sản
Gần nhất là Tiktoker Mr Pips, tên thật là Phó Đức Nam vừa bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng số tiền bị thu giữ, phong tỏa 5.000 tỷ đồng.
Trong đó: 128 bất động sản, 127 tỷ đồng tiền mặt, các sổ tiết kiệm khoảng 306 tỷ đồng, 216 kg vàng, 30 xe ô tô các loại và nhiều tài sản có giá trị khác.
Đồng phạm của Phó Đức Nam là Lê Đức Ngọ (Mr Hunter) và 24 bị can khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Không tố giác tội phạm" và "Rửa tiền".
Một "ông lớn" khác gần đây là Shark Thuỷ bị khởi tố về tội "đưa hối lộ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Toàn bộ tài sản bị phong toả của Shark Thuỷ cũng bao gồm nhiều tài sản giá trị như bất động sản, trái phiếu, vàng,...
Hay ở đại án Vạn Thịnh Phát, Bộ Công an thông báo kết quả điều tra ban đầu xác định số tiền Chủ tịch Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, tham ô đã sử dụng để đầu tư, mua gom nhiều bất động sản và chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư.
Nhìn lại giai đoạn trước, Chủ tịch Địa ốc Alibaba đã bị bắt với hành vi sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện việc chuyển nhận tiền nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của nguồn tiền.
Các đối tượng tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân vẽ ra các dự án "ma" sau đó bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong vụ việc này, hơn 6.700 khách hàng đã giao dịch để Công ty CP Địa ốc Alibaba thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Không chỉ những vụ đại án trên mà còn rất nhiều những kẻ phạm tội lừa đảo, tham nhũng, cờ bạc đều chọn bất động sản là nơi cất giữ tiền, rửa từ tiền bẩn sang tiền sạch.
Hiện nay, tại Việt Nam, các giao dịch bất động sản ở các dự án bất động sản giữa chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cơ bản đều thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại bất động sản đặc biệt là các giao dịch giữa cá nhân với cá nhân chủ yếu được thanh toán bằng tiền mặt, có cả phương thức thanh toán bằng vàng. Điều này khiến bất động sản trở thành nơi cất giữ tài sản ưa thích của tội phạm.
Báo cáo về rủi ro rửa tiền quốc gia, Ngân hàng Nhà nước nhận định bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch lại thường bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong các vụ án rửa tiền được xét xử trong giai đoạn 2018 - 2022 và các vụ án điển hình về tội phạm nguồn của tội rửa tiền, hầu hết tài sản thu được là bất động sản. Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn rửa tiền phổ biến là các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.